Đề số 188: Viết bài văn thuyết minh về tác giả Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều

Nguyễn Du sinh năm 1765 tại Thăng Long, tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên. Tổ tiên Nguyễn Du vốn từ làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay là làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).

Bài làm

Nguyễn Du sinh năm 1765 tại Thăng Long, tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên. Tổ tiên Nguyễn Du vốn từ làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay là làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Gia đình Nguyễn Du thuộc loại đại quý tộc có thế lực bậc nhất thời bấy giờ. Ông thân sinh là Nguyễn Nghiễm, một quan văn, một nhà nghiên cứu sử học đồng thời là một nhà thơ, từng làm Tể tướng của triều đình. Mẹ ông, bà Trần Thị Tần, xuất thân từ dòng dõi bình dân thuộc xứ Kinh Bắc, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Bà trẻ hơn chồng đến ba mươi hai tuổi và là vợ ba của Nguyễn Nghiễm. Vợ Nguyễn Du Là con gái Đoàn Nguyễn Thục, quê ở Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Thái Bình). Nguyễn Du may mắn được tiếp nhận văn hóa của nhiều vùng quê khác nhau. Đó là một tiền đề thuận lợi cho sự tổng hợp nghệ thuật của nhà đại thi hào dân tộc.

Thời thơ ấu và niên thiếu, Nguyễn Du sống tại Thăng Long, trong cảnh giàu sang nhung lụa. Nhưng ông không lấy đó làm trọng. Ngay từ nhỏ đã rất thông minh và có tấm lòng nhân ái với những người xung quanh. Tuy nhiên, cuộc sống giàu sang này kéo dài không quá mười năm, sau đó là những biến cố dữ dội của thời đại và gia đình đã nhanh chóng đẩy ông ra bão táp cuộc đời. Năm mười tuổi mồ côi cha, mười ba tuổi mồ côi mẹ, Nguyễn Du đến sống với người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản lúc này đang làm Tả thị lang Bộ hình kiếm Hiệp trấn xứ Sơn Tây. Đây là một người nổi tiếng phong lưu một thời, thân với chúa Trịnh Sâm và ham mê hát xướng. Trong thời gian này, Nguyễn Du có nhiều điều kiện để dùi mài kinh sử, có dịp để hiểu biết về cuộc sống phong lưu, xa hoa của giới quí tộc. Đây cũng là thời kì in dấu ấn sự xuất hiện khá đậm nét của hình tượng những người ca nhi, kĩ nữ với giọng hát tiếng đàn và thân phận đau khổ của họ. Năm 1783, Nguyễn Du thi hương đỗ Tam trường và được tập ấm nhận một chức quan nhỏ ở Thái Nguyên. Nhưng từ năm 1789, do nhiều biến cố lịch sử, Nguyễn Du đã rơi vào cuộc sống đầy gió bụi hơn chục năm trước khi ra làm quan cho nhà Nguyễn. Những trải nghiệm trong môi trường quý tộc và cuộc sống phong trần em lại cho Nguyễn Du vốn sống thực tế phong phú đã thôi thúc ông suy ngẫm nhiều về xã hội, thân phận con người làm tiền đề quan trọng cho sự hình thành tài năng và bản lĩnh sáng tạo văn chương.

Sau nhiều năm sống hết sức chật vật ở những miền quê khác nhau, đến năm 1802, Nguyễn Du đã ra làm quan cho nhà Nguyễn. Hoạn lộ của Nguyễn Du khá thuận lợi tuy gần như không để lại dấu ấn gì nhiều. Năm 1802, ông nhậm chức Tri huyện tại huyện Phù Dung (nay thuộc Khoái Châu - Hưng Yên). Từ năm 1805 đến năm 1809, ông được thăng chức Đông Các điện học sĩ. Năm 1813, ông được thăng Cần Chánh điện học sĩ và giữ chức Chánh sứ đi Trung Quốc. Năm 1820, Nguyễn Du lại được cử làm chánh sứ đi Trung Quốc nhưng chưa kịp lên đường thì ông đã mất vào ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn (18/9/1820).

Sự nghiệp văn học của Nguyễn Du để lại dấu ấn sâu sắc ở cả hai mảng chữ Hán và chữ Nôm. Sáng tác chữ Hán có thể kể đến các tác phẩm tiêu biểu như: Thanh hiên thi tập (Tập thơ của Thanh Hiên), Nam trung tạp ngâm (Các bài thơ được ngâm khi ở phương Nam), Bắc hành tạp lục (Ghi chép trong chuyến đi sứ Trung Quốc). Thơ chữ Hán là nơi thể hiện một cách tập trung tư tưởng, tình cảm và nhân cách của Nguyễn Du. Các sáng tác bằng chữ Nôm có Đoạn trường tân thanh và Văn chiêu hồn. Có thể nhận thấy, sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ các tác phẩm của Nguyễn Du từ thơ chữ Hán đến Truyện KiềuVăn chiêu hồn là tình cảm chân thành, sự cảm thông sâu sắc của tác giả đối với con người, đặc biệt là những con người nhỏ bé, bất hạnh, những người phụ nữ. Nguyễn Du vĩ đại chính là bởi Nguyễn Du là một nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa, người lắng nghe được tâm hồn và nguyện vọng của quần chúng. Và đặc biệt, ông là người đầu tiên trong văn học trung đại đã nêu lên một cách tập trung nhất vấn đề về thân phận những người phụ nữ có sắc đẹp và tài năng văn chương nghệ thuật, từ đó khẩn thiết kêu gọi xã hội cần phải biết trân trọng những giá trị tinh thần đó cũng như có thể sáng tạo ra nó. Thơ Nguyễn Du dù là chữ Nôm hay chữ Hán đều đạt đến trình độ điêu luyện. Riêng các tác phẩm viết bằng chữ Nôm của ông, đặc biệt là Truyện Kiều là một cống hiến lớn của nhà thơ đối với sự phát triển của ngôn ngữ văn học dân tộc. Nguyễn Du cũng đã phá vỡ rất nhiều những nguyên tắc mĩ học truyền thống, những yếu tố ước lệ, tượng trưng của nghệ thuật phong kiến để tiến gần hơn đến chủ nghĩa hiện thực. Ông thực sự là một nhà thơ tiêu biểu của trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong văn học cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX, một đại thi hào của dân tộc. Năm 1965, Nguyễn Du được Hội đồng Hòa bình Thế giới công nhận là danh nhân Văn hóa Thế giới.

Đoạn trường tân thanh (Tiếng kêu mới về nỗi đau xé ruột) được dân gian quen gọi là Truyện Kiều, có thể coi là một kiệt tác của Nguyễn Du trong mảng thơ chữ Nôm, cũng là kiệt tác của kho tàng văn học Việt Nam. Là một truyện Nôm viết bằng thể thơ lục bát, dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc, gồm 3254 câu thơ. Câu chuyện Truyện Kiều chủ yếu xoay quanh cuộc đời mười lăm năm lưu lạc của nhân vật chính: Thúy Kiều. Tác phẩm chia thành ba phần: gia biến, lưu lạc, đoàn viên. Mở đầu, sau khi nêu lên triết lý về sự mâu thuẫn giữa Tài và Mệnh, tác giả giới thiệu gia đình Thúy Kiều và về nàng Kiều: một cô gái tài sắc vẹn toàn, sống hết sức hồn nhiên, trong sáng. Một ngày xuân, trong tiết thanh minh, ba chị em Thúy Kiều đi chơi xuân. Họ gặp nấm mồ Đạm Tiên rồi sau đó gặp Kim Trọng. Thúy Kiều và Kim Trọng gặp nhau chưa nói một lời nhưng đã sinh lòng quyến luyến. Kim Trọng tìm cách gặp lại Thúy Kiều nên thuê nhà ở cạnh nhà nàng. Hai người gặp gỡ và cùng nhau đính ước, thề bồi. Khi Kim Trọng phải về Liêu Dương hộ tang chú thì gia đình Thúy Kiều bị mắc oan. Để cứu cha và em, nàng phải trao duyên lại cho em là Thúy Vân rồi bán mình cho Mã Giám Sinh, tên ma cô dắt gái đội lốt nho sinh. Từ đó Kiều rơi vào quãng đời mười lăm năm lưu lạc đầy tủi nhục. Bị đẩy vào lầu xanh của mụ Tú Bà, không chịu được nhục, Kiều rút dao tự tử. Tú Bà đành phải đưa nàng ra lầu Ngưng Bích rồi lập mưu cùng Sở Khanh xúi giục nàng trốn đi. Bị bắt trở lại, đánh đập tàn nhẫn, Kiều đành phải dấn thân vào cuộc đời ô nhục. Tại lầu xanh, Kiều gặp Thúc Sinh, một khách làng chơi vì mến nàng mà muốn cưới làm vợ lẽ. Nhưng Thúc Sinh bạc nhược, Kiều bị vợ cả là Hoạn Thư đánh ghen. Kiều xin lên đi tu ở Quan m các và cuối cùng phải trốn ra khỏi đó. Ra khỏi nhà Hoạn Thư, một lần nữa Kiều bị rơi vào lầu xanh. Tại đây, lần này Kiều gặp được Từ Hải, một con người phi thường có cuộc đời tự do, phóng túng và được chàng chuộc ra khỏi lầu xanh, đón về làm vợ. Từ Hải dựng nên cơ nghiệp dọc ngang, triều đình riêng một cõi, giúp nàng trả mối nợ ân oán. Bấy giờ triều đình có viên quan Hồ Tôn Hiến, biết không thể đánh nổi Từ Hải nên tìm cách mua chuộc Thúy Kiều. Kiều cả tin khiến cho Từ Hải chết đứng một cách oan ức. Từ Hải chết, Kiều bị bắt lên mua vui cho Hồ Tôn Hiến rồi ép gả cho một thổ quan. Đau đớn, hối hận, nhục nhã, Kiều đâm đầu xuống sông Tiền Đường tự tử, kết thúc quãng đời mười lăm năm lưu lạc. May có sư Giác Duyên trước đó được báo mộng nên giăng lưới chờ sẵn. Kiều được cứu sống, trở về đoàn tụ gia đình, đổi mối duyên với Kim Trọng từ cầm sắt sang duyên cầm ki.

Căn cứ vào cách mở đầu và kết thúc tác phẩm, người ta dễ có cảm tưởng Truyện Kiều là một tiểu thuyết luận đề, Nguyễn Du viết để chứng minh cho thuyết “Tài mệnh tương đố” của Nho giáo. Nhưng đi sâu vào thực chất nội dung hình tượng của tác phẩm sẽ thấy vấn đề cơ bản đặt ra trong Truyện Kiều là mâu thuẫn giữa quyền sống của con người, chủ yếu là người phụ nữ với sự áp bức của xã hội phong kiến lúc suy tàn. Nàng Thúy Kiều trong tác phẩm không phải đại diện cho một con người cụ thể nào trong xã hội mà có tính cách một nhân vật tiêu biểu, tượng trưng cho tất cả những gì là đẹp, là tinh hoa của con người. Nguyễn Du đặt nhân vật vào trong thời đại giống của ông để theo dõi, chứng kiến và rồi cắm thông, thương xót. Khác với nhiều tác phẩm khác cùng thời thường nhìn nhận những vấn đề xã hội ở tính chất cục bộ, cá biệt, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã nêu lên các vấn đề dưới dạng chân thực, bản chất. Chà đạp lên Thúy Kiều không phải là một cá nhân nào mà trong chừng mực nào có tính cách tiêu biểu cho những lực lượng xã hội hiện thực, kết thành những thế lực, cùng nhau áp bức, chà đạp con người. Truyện Kiều không chỉ là tiếng nói lên án, tố cáo xã hội gay gắt mà còn là ước mơ, khát vọng của Nguyễn Du cũng là của nhân dân về một tình yêu đẹp vượt lên trên mọi lễ giáo, về khát vọng tự do, công lý và chính nghĩa. Bên cạnh nội dung phong phú và sâu sắc, Truyện Kiều còn là một tác phẩm chứa đựng tinh hoa ngôn ngữ dân tộc. Dưới ngòi bút của Nguyễn Du, ngôn ngữ dân tộc trở nên thật trong sáng, mĩ lệ, dồi dào. Ở Nguyễn Du, ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình dân đã bổ sung cho nhau và phát huy cao độ những mặt tích cực của nó. Truyện cũng đạt được những thành công về phương diện xây dựng nhân vật mà không tác giả đương thời nào đuổi kịp. Các nhân vật của Nguyễn Du, dù là chính diện hay phản diện đều để lại những dấu ấn nhất định. Nhân vật Thúy Kiều thể hiện rõ những chuyển biến trong quan niệm thẩm mĩ của Nguyễn Du từ truyền thống đến hiện thực. Nhân vật có đời sống tâm lý được miêu tả hết sức chân thực và sinh động, để lại những ấn tượng sâu sắc.

Hàng trăm năm qua, Truyện Kiều đã sống chan hòa trong đời sống toàn dân tộc. Không riêng gì vốn học Việt Nam, mà trong văn học thế giới cũng hiếm cổ tác phẩm nào cũng như tác giả của nó lại chinh phục được rộng rãi tình cảm của đông đảo bạn đọc đến vậy. Truyện Kiều và Nguyễn Du sẽ mãi là niềm tự hào của người dân Việt Nam trong mọi thời đại.

Các bài học liên quan
Đề số 181: Thuyết minh giới thiệu một tác giả văn học mà anh (chị) yêu thích.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 10 mới cập nhật