Đề số 180: Giới thiệu ngắn gọn về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Tố Hữu

Tố Hữu (1920 - 2002) tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, quê ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cha Tố Hữu là một nhà nho nghèo, mẹ cũng là con một nhà nho. Cả hai người đã truyền cho con tình yêu tha thiết với văn học dân gian.

Bài làm

Tố Hữu (1920 - 2002) tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, quê ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cha Tố Hữu là một nhà nho nghèo, mẹ cũng là con một nhà nho. Cả hai người đã truyền cho con tình yêu tha thiết với văn học dân gian.

Cuộc đời Tố Hữu là cuộc đời của một chiến sĩ cộng sản gương mẫu. Năm 12 tuổi, Tố Hữu mồ côi mẹ, một năm sau lại xa gia đình vào học Trường Quốc học Huế. Được vào tuổi thanh niên, Tố Hữu tham gia phong trào đấu tranh cách mạng, trở thành người lãnh đạo chủ chốt của Đoàn Thanh niên Dân chủ ở Huế và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ cuối tháng 4 - 1939 đến đầu năm 1942, Tố Hữu bị thực dân Pháp bắt giam trong nhiều nhà tù ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Tháng 3 - 1942, Tố Hữu vượt ngục Đắc Lắc (Kon Tum), tìm ra Thanh Hóa, bắt liên lạc với tổ chức cách mạng, tiếp tục hoạt động. Trong Cách mạng tháng Tám (1945), Tố Hữu là Chủ tịch ủy ban khởi nghĩa ở Huế. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Tố Hữu công tác ở Thanh Hóa rồi lên Việt Bắc đặc trách về văn hóa văn nghệ ở cơ quan Trung ương Đảng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mĩ và cho đến năm 1986, ông liên tục giữ những cương vị trọng yếu trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Năm 1996, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Tố Hữu là một trong những lá cờ đầu của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam. Các chặng đường thơ Tố Hữu luôn gắn bó và phản ánh chân thật những chặng đường cách mạng đầy gian khổ hi sinh nhưng cũng nhiều thắng lợi vinh quang của dân tộc. Đó cũng là những chặng đường vận động trong quan điểm tư tưởng và bản lĩnh nghệ thuật của chính nhà thơ. Nếu Từ ấy (1937 - 1946) là chặng đường đầu tiên của đời thơ Tố Hữu, đánh dấu bước trưởng thành của người thanh niên quyết tâm đi theo ngọn cờ của Đảng thì Việt Bắc (1946 - 1954) là tiếng ca hùng tráng, thiết tha về cuộc kháng chiến chống Pháp và những con người kháng chiến. Họ là những người lao động rất bình thường và cũng rất anh hùng. Bước vào giai đoạn cách mạng, Gió lộng (1955 - 1961) dạt dào bao nguồn cảm hứng lớn lao. Nhà thơ hướng về quá khứ để thấm thía những nỗi đau khổ của cha ông, công lao của những thế hệ đi trước mở đường, từ đó ghi sâu ân tình của cách mạng. Hai tập thơ Ra trận (1962 - 1971), Máu và hoa (1972 - 1977) âm vang khí thế quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước và niềm vui toàn thắng, Một tiếng đờn (1992) và Ta với ta (1999) là hai tập thơ đánh dấu bước chuyển biến mới trong thơ Tố Hữu. Ở đó, nhà thơ đã tìm đến những chiêm nghiệm mang tính chất phổ quát về cuộc đời và con người.

Suốt bảy tập thơ, Tố Hữu đã thể hiện một phong cách nghệ thuật của riêng mình. Nét nổi bật trong nội dung thơ Tố Hữu là tính chất trữ tình chính trị rất sâu sắc. Hồn thơ Tố Hữu luôn hướng tới cái ta chung với lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng, của cả dân tộc. Thơ Tố Hữu cũng mang đậm tính sử thi như nhiều sáng tác văn học cùng thời. Nhà thơ luôn coi những sự kiện chính trị lớn của đất nước là đối tượng thể hiện chủ yếu, luôn đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử và có tính chất toàn dân. Và tất cả luôn được thể hiện bằng chất giọng mang tính chất tâm tình rất tự nhiên, đằm thắm, chân thành. Nghệ thuật biểu hiện trong thơ Tố Hữu mang tính dân tộc đậm đà.

Tố Hữu đặc biệt thành công khi sử dụng những thể thơ truyền thống của dân tộc (thể lục bát, thể thất ngôn), về ngôn ngữ, Tố Hữu thường sử dụng những từ ngữ và cách nói quen thuộc với dân tộc, phát huy cao độ tính nhạc phong phú của tiếng Việt.

Các bài học liên quan

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 10 mới cập nhật