ĐỀ 96. Phân tích truyện Cô bé bán diêm của An-đec-xen

Cô bé bán diêm là truyện kể về một cô bé nghèo khổ, kiếm sống bằng nghề bán diêm. Trong đêm Giáng sinh, trong lúc mọi người vui vẻ cười đùa, hạnh phúc bên gia đình thì cô bé co ro trong tuyết lạnh, đầu trần, chân đất, bụng đói đang đờ đẫn trong bóng tối.

BÀI LÀM

Ai đã từng say mê những câu chuyện cổ tích hẳn đã từng nghe tới cái tên An-đéc-xen. Ông là nhà văn người Đan Mạch nổi tiếng với loại truyện kể cho trẻ em. Có nhiều truyện do ông biên soạn lại từ truyện cổ tích, nhưng cũng có những truyện do ông hoàn toàn sáng tác. Bạn đọc khắp năm châu hẳn rất quen thuộc với nhiều truyện của ông như Cô bé bán diêm, Bầy chim thiên nga, Nàng tiên cá. Điều đặc biệt là không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng yêu thích truyện của ông bởi sức hấp dẫn lạ lùng được tạo nên bởi sự kết hợp tài tình giữa hiện thực và tưởng tượng, cùng với tính chất hoang đường và kì ảo. Bao trùm lên toàn bộ sáng tác của An-đéc-xen là tình yêu thương con người và niềm tin vào cái thiện sẽ chiến thắng cái ác.

Cô bé bán diêm là truyện kể về một cô bé nghèo khổ, kiếm sống bằng nghề bán diêm. Trong đêm Giáng sinh, trong lúc mọi người vui vẻ cười đùa, hạnh phúc bên gia đình thì cô bé co ro trong tuyết lạnh, đầu trần, chân đất, bụng đói đang đờ đẫn trong bóng tối. Em ngồi nép người vào trong một góc tường để tránh cái gió rét và ngồi nhớ lại những phút giây hạnh phúc với người bà yêu quý của mình. Em không thể về nhà nếu không bán được ít bao diêm hay không được ai bố thí ít đồng, nhất định em sẽ bị cha đánh đòn. Lúc này đôi bàn tay em đã cứng đờ, em ao ước được sưởi ấm bằng một que diêm. Lạnh quá, cô bé liều quẹt một que diêm lên để sưởi ấm, xua đi cái lạnh đang vây lấy em. Và lạ chưa kìa, que diêm không chỉ giúp em sưởi ấm mà mang đến cho em một giấc mơ. Em mơ thấy mình “đang ngồi trước một lò sưởi bằng sắt có những hình nổi bằng đồng bóng nhoáng. Trong lò, lửa cháy nom đến vui mắt và tỏa ra hơi nóng dịu dàng”. Nhưng khi em vừa duỗi chân ra sưởi thì lửa vụt tắt, lò sưởi biến mất, que diêm tàn hẳn. Em bần thần cả người và nghĩ tới công việc mình phải làm.

Sợ thì sợ nhưng những hình ảnh đẹp đẽ do ngọn lửa của que diêm thứ nhất tạo ra lôi cuốn và hấp dẫn em mãnh liệt. Em muốn được tiếp tục sống trong thế giới diệu kì ấy. Và em quẹt que diêm thứ hai, lần này trước mắt em “bức tường biến thành một tấm vải màu. Em nhìn thấu vào tận trong nhà. Bàn ăn đã dọn, khăn trải bàn trắng tinh, trên bàn toàn bằng bát đĩa quý giá, và có cả một con ngỗng quay. Những điều kì diệu nhất là ngỗng ta nhảy ra khỏi đĩa và mang cả dao ăn cắm trên lưng tiến về em bé”. Nhưng đúng lúc đó que diêm vụt tắt, trước mắt em chỉ còn bức tường dày đặc lạnh lẽo. Không còn bàn ăn thịnh soạn nào cả mà chỉ còn phố xá vắng teo, lạnh buốt, tuyết phủ trắng xóa, gió bấc vi vu. Tất cả chỉ là ảo giác, bóng tối và lạnh lẽo vẫn vây lấy em.

Những que diêm bật lên dường như không chỉ sưởi ấm cho cô bé một lúc mà nó còn mang đến cho cô bé những giấc mơ tuyệt vời. Chính những giấc mơ là ngọn lửa sưởi ấm cho em giữa đêm tuyết lạnh. Điều đó đã thôi thúc em quẹt que diêm thứ ba. Lần này "em thấy hiện ra một cây thông Noel. Cây này lớn, trang trí lộng lẫy hơn cây mà em đã được thấy năm ngoái qua cửa kính một nhà buôn giàu có. Hàng ngàn ngọn nến sáng rực, lấp lánh trên cành lá xanh tươi và rất nhiều bức tranh màu sắc rực rỡ như những bức bày trong cái tủ hàng hiệu hiện ra, trước mắt em bé”. Nhưng rồi diêm lại tắt. Tất cả các ngọn nến bay lên, bay mãi rồi biến thành những ngôi sao trên trời. Xung quanh em vẫn là hai bức tường và đêm tối, rồi em nghĩ tới bà em vì bà em là người hiền hậu duy nhất đối với em, đã chết từ lâu, trước đây thường nói rằng: “khi một vì sao đổi ngôi là một linh hồn bay lên thượng đế”. Và thế là em quẹt thêm một que diêm vào tường, một ánh sáng xanh tỏa ra xung quanh và em nhìn thấy rõ ràng bà đang cười với em.

Bà ơi! Em bé reo lên, cho cháu đi với! Cháu biết rằng diêm tắt thì bà cũng biến mất như lò sưởi, ngỗng quay và cây Noel ban nãy, nhưng xin bà đừng bỏ cháu ở nơi này; trước kia khi bà chưa về với thượng đế chí nhân thì bà cháu ta đã từng sung sướng biết bao. Dạo ấy bà từng nhủ cháu rằng nếu cháu ngoan ngoãn, cháu sẽ được gặp lại bà, bà ơi! Cháu van bà, bà xin thượng đế chí nhân cho cháu về với bà. Chắc Người không từ chối đâu.

Que diêm tắt phụt và ảo ảnh rực sáng trên khuôn mặt của em cũng biến mất.

Lần thứ năm em quẹt hết que diêm còn lại để níu kéo bà, để được bà cho đi theo đến một thế giới không còn đói khổ và rét mướt nữa. Em quyết định quẹt những que diêm còn lại. Những que diêm nối nhau chiếu sáng như ban ngày. Chưa bao giờ cô bé thấy bà hiền và đẹp lão như thế. Bà cụ cầm tay em, rồi hai bà cháu bay vụt lên cao, cao mãi, chẳng còn đói rét đau buồn nào đe dọa họ nữa. Họ đã về chầu Thượng đế.

Các mộng tưởng của em bé diễn ra theo thứ tự như trên là rất hợp lí. Vì trời rét nên trước hết em mơ tưởng tới lò sưởi. Tiếp đó vì đang đói nên em mơ tưởng tới bàn ăn đầy thức ăn ngon, vì là đêm giao thừa nên ngay sau đó là cây thông Noel hiện ra.

Nhìn tất cả những điều đó gợi cho em nhớ đến đã có một thời em cũng đã được đón giao thùa như thế, khi bà em còn sống và hình ảnh bà em xuất hiện.

Mở đầu tác phẩm dựng lên một khung cảnh đối lập, một bên là cảnh mọi người vui vẻ đón giao thừa còn cô bé thì lạnh cóng, đói rét. Kết thúc tác phẩm cũng là một bức tranh đối lập một bên là hình ảnh của cô bé bán diêm đã chết vì giá rét trong đêm giao thừa, một bên là hình ảnh những người đi chơi đầu năm vui vẻ. Kết thúc câu chuyện buồn, nhưng không, trên gương mặt em bé "đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười”. Một nụ cười vui sướng, hạnh phúc, có lẽ ở chốn thiên đàng em đã gặp được người bà yêu quý của mình. Dù biết rằng chốn thiên đường ấy em và người bà của mình đang hạnh phúc nhưng sao người đọc cũng không khỏi cảm thấy xúc động khi chứng kiến cảnh em bé chết cóng trong đêm giao thừa.

Các bài học liên quan
ĐỀ 92. Phân tích giá trị nhân đạo truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng.
ĐỀ 90. Phân tích truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của 0. Henri
ĐỀ 88. Mỗi đêm thanh vắng, em ngồi học bài.  Kim đồng hồ hối hả điểm từng bước đi của thời gian.  Em hãy tả lại cảnh đó và tưởng tượng qua tiếng tích tắc, tích tắc, chiếc đồng hồ muốn nói với em điều gì?
ĐỀ 86. (Thi chọn học sinh giỏi Quốc gia - 1992)

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 8 mới cập nhật