CÁC THÀNH PHẦN CHÍNH CỦA CÂU
Thành phần chính của câu là những thành phần bắt buộc phải có mặt để câu có cấu tạo hoàn chỉnh và diễn đạt được một ý trọn vẹn. Thành phần chính của câu là vị ngữ, chủ ngữ.
- Bài học cùng chủ đề:
- Soạn bài Các thành phần chính của câu - Ngắn gọn nhất
- Soạn bài Các thành phần chính của câu trang 92 SGK Văn 6
- Luyện tập bài Các thành phần chính của câu trang 94 SGK Văn 6
- Ngữ pháp tiếng anh hay nhất
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
a. Phân biệt thành phần chính với thành phần phụ của câu
Câu có thành phần chính và thành phần phụ.
+ Thành phần chính của câu là những thành phần bắt buộc phải có mặt để câu có cấu tạo hoàn chỉnh và diễn đạt được một ý trọn vẹn. Thành phần chính của câu là vị ngữ, chủ ngữ.
+ Thành phần phụ của câu là thành phần không bắt buộc có mặt trong câu.
b. Vị ngữ
- Vị ngữ là thành phần chính của câu có khả năng kết hợp với các phó từ chỉ quan hệ thời gian và trả lời các câu hỏi Làm gì?, Làm sao?, Như thế nào? hoặc Là gì?
Ví dụ: Cả lớp đang nghe cô giảng bài. (Vị ngữ của câu này là “đang nghe cô giảng bài”, trong đó có từ “đang” là phó từ chỉ quan hệ thời gian; vị ngữ này trả lời câu hỏi: Cả lớp làm gì?).
- Vị ngữ thường là động từ hoặc cụm động từ, tính từ hoặc cụm tính từ, danh từ hoặc cụm danh từ.
Ví dụ: Tôi đã trở về ngôi nhà của mình. (Vị ngữ là cụm động từ); Trăng đêm nay tròn vành vạnh. (Vị ngữ là một cụm tính từ)
- Câu có thể có một hoặc nhiều vị ngữ.
Ví dụ: Mặt chú bé như tỏa ra một thứ ánh sáng rất lạ. (Câu có một vị ngữ); Chú Hai vứt sào, ngồi xuống thở không ra hơi. (Câu có hai vị ngữ)
c. Chủ ngữ
- Chủ ngữ là thành phần chính của câu nêu tên sự vật, hiện tượng có hành động, đặc điểm, trạng thái,... được miêu tả ở vị ngữ. Chủ ngữ thường trả lời cho các câu hỏi Ai?, Con gì? hoặc Cái gì?
Ví dụ: Bạn Nam đang làm bài tập. (Bạn Nam là chủ ngữ, nêu tên người có hoạt động được miêu tả ở vị ngữ đang làm bài tập và trả lời cho câu hỏi: Ai đang làm bài tập?)
- Chủ ngữ thường là danh từ, đại từ hoặc cụm danh từ. Trong những trường hợp nhất định, động từ, tính từ hoặc cụm động từ, tính từ cũng có thể làm chủ ngữ.
Ví dụ :
+ Gió thổi ù ù. (Chủ ngữ là danh từ)
+ Những con sóng nối nhau đùa giỡn trên mặt nước. (Chủ ngữ là cụm danh từ)
+ Chúng tôi đi học rất đúng giờ. (Chủ ngữ là đại từ)
+ Thi đua học tốt là nhiệm vụ của chúng ta. (Chủ ngữ là cụm động từ)
+ Sạch sẽ là mẹ sức khỏe. (Chủ ngữ là tính từ)
- Câu có thể có một hoặc nhiều chủ ngữ.
Ví dụ : Tôi đi đứng oai vệ. (Câu có một chủ ngữ); Lan, Mai, Hoàng và tôi cùng một nhóm thảo luận. (Câu có nhiều chủ ngữ)
II. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI VÀ KHÓ
- Chủ ngữ và vị ngữ là những thành phần chính của câu, có quan hệ mật thiết với nhau. Chúng bắt buộc phải có mặt để câu có cấu tạo hoàn chỉnh và diễn đạt một ý trọn vẹn. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh nói năng cụ thể, chúng có thể được lược bỏ. Ví dụ:
- Anh sống ở đâu?
- Ở Bạc Liêu.
Câu thứ nhất (câu hỏi trong đối thoại trên) có đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ. Câu thứ hai (câu trả lời trong đối thoại trên) đã được lược bỏ chủ ngữ và vị ngữ.
- Có những dạng câu, chủ ngữ và vị ngữ không thể xác định một cách rạch ròi. Đó là trường hợp những câu đặc biệt. Ví dụ: Chị ơi! Trật tự! v.v...
III. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Xác định chủ ngữ, vị ngữ trong những câu sau. Cho biết mỗi chủ ngữ hoặc vị ngữ có cấu tạo như thế nào.
Chẳng bao lâu, tôi đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng. Đôi càng mẫm bóng. Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt. Thỉnh thoảng, muốn thử sự lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ. Những ngọn cỏ gãy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua.
(Tô Hoài)
Gợi ý:
Chủ ngữ:
- Là một đại từ: Tôi.
- Là một cụm danh từ: Đôi càng tôi; những cái vuốt ở chân, ở kheo; những ngọn cỏ.
Vị ngữ:
- Là một tính từ: mẫm bóng.
- Là một động từ: gẫy rạp.
- Là một cụm động từ: co cẳng lên, đạp phanh phách.
- Là một cụm tính từ: cứ cứng dần, nhọn hoắt.
2. Đặt ba câu theo yêu cầu sau:
a) Một câu có vị ngữ trả lời câu hỏi Làm gì? để kể lại một việc tốt em hoặc bạn em mới làm được.
b) Một câu có vị ngữ trả lời câu hỏi Như thế nào? để tả hình dáng đáng yêu của một bạn trong lớp em.
c) Một câu có vị ngữ trả lời câu hỏi Là gì? để giới thiệu nhân vật trong truyện em vừa đọc với các bạn trong lớp.
Gợi ý:
a) Tôi đã dọn dẹp nhà cửa giúp mẹ trong ngày nghỉ.
b) Đôi mắt đen láy của Nga lúc nào cũng dịu dàng.
c) Đô-rê-mon là một chú mèo máy thông minh.
3. Chỉ ra chủ ngữ trong mỗi câu em vừa đặt được. Cho biết những chủ ngữ ấy trả lời cho những câu hỏi như thế nào?
Gợi ý:
a) Tôi - Ai?
b) Đôi mắt đen láy của Nga - Cái gì?
c) Đồ-rê-mon - Nhân vật nào?
BÀI TẬP NÂNG CAO
1. Đặt câu hỏi để tìm chủ ngữ của các câu sau:
- Thầy Thành đã bước vào lớp.
- Bức tranh Đồng Hồ treo trên tường rất đẹp.
- Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt.
(Tô Hoài)
- Con hổ có nghĩa.
Gợi ý:
Đặt câu hỏi để tìm chủ ngữ.
- Ai dã bước vào lớp?
(Trả lời: Thầy Thành. Thầy Thành là chủ ngữ)
- Cái gì treo trên tường rất đẹp?
(Trả lời: Bức tranh Đồng Hồ. Bức tranh Đông Hồ là chủ ngữ)
- Cái gì cứ cứng dần và nhọn hoắt?
(Trả lời: Những cái vuốt ở chân ở khoeo. Những cái vuốt ở chân à khoeo là chủ ngữ)
- Con gì có nghĩa?
(Trả lời: Con hổ. Con hổ là chủ ngữ)
2. Đặt câu hỏi để tìm vị ngữ của các câu sau:
- Chẳng bao lâu, tôi đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng. (Tô Hoài)
- Cả lớp đang chăm chú nghe cô giáo giảng bài.
- Nam, Hải và Lan vừa là một nhóm học tập, vừa là bạn thân của nhau.
- Nhà Rông là linh hồn của bản làng Tây Nguyên.
Gợi ý:
Đặt câu hỏi để tìm vị ngữ.
- Chẳng bao lâu, tôi như thế nào?
(Trả lời: đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng. Đã thành một chàng dế thanh niên cường tráng là vị ngữ)
- Cả lớp làm gì?
(Trả lời: đang chăm chú nghe cô giáo giảng bài. Đang chăm chú nghe cô giáo giảng bài là vị ngữ)
- Nam, Hải và Lan như thế nào?
(Trả lời: vừa là một nhóm học tập, vừa là bạn thân của nhau. Vừa là một nhóm học tập, vừa là bạn thân của nhau là vị ngữ)
- Nhà Rông là gì?
(Trả lời: linh hồn của bản làng Tây Nguyên. Linh hồn của bản làng Tây Nguyên là vị ngữ)
3. Câu nào trong các đoạn trích dưới dãy có một cụm C — V chính
- Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn-ga, con sông Vôn-ga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc. (I. Ê-ren-bua)
- Nhận công việc vinh dự đầu tiên này, tôi thấy trong người cứ bồn chồn, thấp thỏm. Đêm đó, tôi ngủ không yên, lục đục dậy từ nửa đêm, ngồi nghĩ cách giấu truyền đơn. Khoảng ba giờ sáng, tôi giả đi bán cá như mọi hôm. Tay tôi bê rổ cá, còn bó truyền đơn thì giắt trên lưng quần. Tôi rảo bước và truyền đơn cứ từ từ rơi xuống đất. Gần tới chợ thì vừa hết, trời cũng vừa sáng tỏ. (Theo Hồi kí của bà Nguyễn Thị Định-TV5, t.2, GD, 2006)
Gợi ý:
Các câu có một cụm C - V chính:
- Đoạn đầu: Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc.
- Đoạn sau:
+ Nhận công việc vinh dự đầu tiên này, tôi thấy trong người cứ bồn chồn, thấp thỏm.
+ Đêm đó, tôi ngủ không yên, lục đục dậy từ nửa đêm, ngồi nghĩ cách giấu truyền đơn.
+ Khoảng ba giờ sáng, tôi giả đi bán cá như mọi hôm.
- Các thể loại văn tham khảo lớp 6
- Bài 1 sgk ngữ văn 6
- Bài 2 sgk ngữ văn 6
- Bài 3 sgk ngữ văn 6
- Bài 4 sgk ngữ văn 6
- Bài 5 sgk ngữ văn 6
- Bài 6 sgk ngữ văn 6
- Bài 7 sgk ngữ văn 6
- Bài 8 sgk ngữ văn 6
- Bài 9 sgk ngữ văn 6
- Bài 10 sgk ngữ văn 6
- Bài 11 sgk ngữ văn 6
- Bài 12 sgk ngữ văn 6
- Bài 13 sgk ngữ văn 6
- Bài 14 sgk ngữ văn 6
- Bài 15 sgk ngữ văn 6
- Bài 16 sgk ngữ văn 6
- Bài 17 sgk ngữ văn 6
- Bài 18 sgk ngữ văn 6
- Bài 19 sgk ngữ văn 6
- Bài 20 sgk ngữ văn 6
- Bài 21 sgk ngữ văn 6
- Bài 22 sgk ngữ văn 6
- Bài 23 sgk ngữ văn 6
- Bài 24 sgk ngữ văn 6
- Bài 25 sgk ngữ văn 6
- Bài 26 sgk ngữ văn 6
- Bài 27 sgk ngữ văn 6
- Bài 28 sgk ngữ văn 6
- Bài 29 sgk ngữ văn 6
- Bài 30 sgk ngữ văn 6
- Bài 31 sgk ngữ văn 6
- Bài 32 sgk ngữ văn 6