Đề số 57: Nét mới trong nghệ thuật xây dựng nhân vật Từ Hải trong Chí khí anh hùng (Trích Truyện Kiều)? Ý nghĩa của hình tượng nhân vật này

Người anh hùng Từ Hải là một sáng tạo đặc sắc của Nguyễn Du về phương diện cảm hứng sáng tạo và nghệ thuật miêu tả. Qua đoạn trích Chí khí anh hùng trích từ Truyện Kiều, có thể nhận thấy nhiều nét mới trong nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng như ý nghĩa của hình tượng nhân vật này.

Bài làm

Người anh hùng Từ Hải là một sáng tạo đặc sắc của Nguyễn Du về phương diện cảm hứng sáng tạo và nghệ thuật miêu tả. Qua đoạn trích Chí khí anh hùng trích từ Truyện Kiều, có thể nhận thấy nhiều nét mới trong nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng như ý nghĩa của hình tượng nhân vật này.

Chí khí anh hùng là đoạn do Nguyễn Du sáng tạo ra trong văn bản Truyện Kiều, không có trong Kim Vân Kiều truyện (Thanh Tâm Tài Nhân). Trong truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Từ Hải được tả rất trần trụi, có nét tướng cướp, lại từng thi hỏng, đi buôn... Những chi tiết này đều được Nguyễn Du lược bỏ, thay vào đó, nhà thơ xây dựng một hình tượng anh hùng tuyệt đẹp.

Người anh hùng là nhân vật lí tưởng truyền thống của văn học trung đại. Nhưng đó không phải là hình tượng thường xuyên xuất hiện trong các sáng tác của Nguyễn Du. Trong Truyện Kiều, nguyễn Du chỉ xây dựng duy nhất một hình tượng anh hùng, đó là Từ Hải. Từ Hải là nhân vật yêu thích của Nguyễn Du. Nguyễn Du xây dựng hình tượng người anh hùng theo quan niệm của mình và bằng quan niệm của mình. Từ Hải là sự hợp nhất của hai hình tượng: hình tượng có tính ước lệ và hình tượng con người vũ trụ. Đó là nét mới mẻ trong cách, xây dựng hình tượng người anh hùng của Nguyễn Du so với các nghệ sĩ trước đó.

Trước Nguyễn Du, văn học Lý Trần đã xây dựng khá nhiều hình tượng người anh hùng. Đó là những ai? Là hai vị Thánh quân trong Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu, là nhân vật trữ tình trong Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải, là hình tượng nhân vật trữ tình trong Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão... Thời Lê, trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi cũng đã xây dựng hình tượng người anh hùng Lê Lợi. Hầu hết các hình tượng anh hùng này đều có sự đan xen giữa hình tượng chân thực và hình tượng con người vũ trụ. Họ hiện lên vừa có nét chân thực:

       Đoạt sóc Chương Dương độ
Cầm hồ Hàm Tử quan
             (Chương Dương cướp giáo giặc
  Hàm Tử bắt quân thù)

vừa có nét phi thường:

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu

(Múa giáo non sông trải mấy thâu).

Xây dựng hình tượng nhân vật Từ Hải trong Chí khí anh hùng, Nguyễn Du kết hợp miêu tả vừa ước lệ, vừa tạo ấn tượng về tầm vóc vũ trụ. Hai phương diện ước lệ và cảm hứng vũ trụ luôn gắn bó chặt chẽ với nhau:

Nửa năm hương lửa đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.
Trông vời trời bể mênh mang,
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.

Lòng bốn phương là khái niệm có nội hàm diễn tả con người vũ trụ. Bốn phương ở đây chỉ nam, bắc, đông, tây, có nghĩa là thiên hạ, thế giới. Nhưng theo Kinh Lễ, xưa sinh con trai, người ta làm cái cung bằng cây dâu, tên bằng cỏ bồng, bắn tên ra bốn phương, tượng trưng cho mong muốn sau này người con trai làm nên sự nghiệp lớn. Như vậy, lòng bốn phương không chỉ có nội hàm diễn tả con người vũ trụ mà còn là hình ảnh ước lệ, tượng trưng cho chí nguyện lập công danh, sự nghiệp. Các hình tượng trông vời trời bể mênh mang, bốn bể, chim bằng, gió mây công tương tự như vậy. Chúng vừa là ước lệ, lại vừa tạo nên ấn tượng về tầm vóc vũ trụ của Từ Hải. Sự đan kết hai nội hàm ý nghĩa trước hết khắc họa hình tượng nhân vật lớn lao, kì vĩ, phi thường. Chính sự kết hợp đó khiến hình tượng người anh hùng trong sáng tác của Nguyễn Du trở thành lý tưởng. Và vì lý tưởng nên không thể sử dụng bút pháp tả thực để miêu tả được. Cũng vì lý tưởng nên hình tượng nhân vật người anh hùng Tả Hải mãi mãi chỉ là mơ ước của nhà thơ. Nguyễn Dù mơ ước có được một người anh hùng như thế, để thực thi khát vọng công cho những thân phận bất hạnh như Thúy Kiều.

Nét mới mẻ thứ hai trong cách xây dựng hình tượng người anh hùng Từ Hải trong Chí khí anh hùng là nghệ thuật xây dựng ngôn ngữ nhân vật. Nguyễn Du để hai nhân vật đối thoại với nhau và người mở lời là Thúy Kiều:

Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng,
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”

Mặc dù rất yêu và trân trọng nàng nhưng Từ Hải đã đáp lại bằng những lời lẽ dứt khoát mà hợp tình hợp lý:

Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?...

Từ Hải không quyến luyến, bịn rịn tình yêu mà quên lý tưởng cao cả. Trong lời nói của Từ, hình ảnh mười vạn tinh binh và bóng cờ, tiếng chiêng gợi nên khát vọng lớn lao, tầm vóc vũ trụ của người anh hùng xưa. Chàng còn khẳng định quyết tâm và sự tất yếu thành công qua cách ước lượng thời gian:

Chầy chăng là một năm sau vội gì!

Nguyễn Du không cần miêu tả dài dòng, chỉ bằng mấy câu nói, nhân vật của ông đã hiện lên trọn vẹn với khí phách anh hùng.

Đọc Chí khí anh hùng, có thể thấy khi miêu tả những suy nghĩ, hành động của nhân vật, tác giả luôn lựa chọn những động từ gợi tả sự nhanh gọn, dứt khoát, kiên quyết: thoắt, thẳng, rong, dứt áo ra đi. Những từ ngữ này đã có phần khắc họa tính cách anh hùng của nhân vật Từ Hải.

Như vậy, có thể thấy, trong Chí khí anh hùng, khí xây dựng nhân vật anh hùng của mình, Nguyễn Du đã có nhiều sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật miêu tả. Nhờ đó, hình tượng nhân vật Từ Hải đã đi vào lòng mỗi người đọc với những ấn tượng đặc biệt, không thể lẫn với các hình tượng người anh hùng khác. Chính lòng yêu mến và tài năng nghệ thuật đã giúp Nguyễn Du có được thành công lớn khi xây dựng hình tượng nhân vật Từ Hải trong đoạn trích này.

Các bài học liên quan
Đề số 51: Chỉ ra và phân tích hiệu quả của thủ pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ dưới đây:  Lòng này gửi gió đông có tiện?... Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong. (Chinh phụ ngâm - Nguyễn Gia Thiều; bản dịch của Đoàn Thị Điểm).
Đề số 50: Phân tích giá trị nhân đạo thể hiện trong đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Trích Chinh phụ ngâm).
Đề số 48: Phân tích giá trị biểu cảm của hai câu thơ sau:  Lom khom dưới núi tiều vài chú, Lác đác bên sông chợ mấy nhà. (Qua Đèo Ngang - Bà Huyện Thanh Quan)
Đề số 47: Phân tích giá trị của những từ Hán Việt trong bài thơ Thăng Long thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan: Tạo hóa gây chi cuộc hý trường,... Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 10 mới cập nhật