Đề số 56: Tài năng xây dựng nhân vật của Nguyễn Du thể hiện trong đoạn trích Trao duyên (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Cho đến bây giờ, chúng ta vẫn nhắc về các nhân vật Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Hoạn Thư... như điển hình cho những loại người kiểu người táng tận lương tâm nhất trong xã hội phong kiến.

Bài làm

Cho đến bây giờ, chúng ta vẫn nhắc về các nhân vật Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Hoạn Thư... như điển hình cho những loại người kiểu người táng tận lương tâm nhất trong xã hội phong kiến. Nói như vậy để thấy rằng hầu hết các nhân vật được sáng tạo trong Truyện Kiều của Nguyễn Du đều có sức sống mãnh liệt. Tất nhiên, sức sống ấy chỉ có thể được mang đến từ tài năng xây dựng nhân vật tuyệt vời của nhà thơ. Với Trao duyên, chúng ta sẽ ít nhiều cảm nhận được điều đó.

Sau khi việc bán mình đã thu xếp xong xuôi, lúc này, Thúy Kiều mới có thời gian nghĩ đến thân phận và tình yêu. Biết chắc không thể trọn lời thề với chàng Kim, Kiều quyết định trao duyên cho Thúy Vân, nhờ Thúy Vân trả nghĩa chàng Kim thay nàng. Việc khắc họa nhân vật sao cho phù hợp với hoàn cảnh là điều vô cùng quan trọng. Nguyễn Du sẽ khắc họa nhân vật bằng cách miêu tả nhan sắc, tài năng của nhân vật như trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều hay phải làm sao đây để lột tả hết nỗi đau đớn trong lòng nàng? Thấu hiểu nhân vật của mình, nhà thơ đã lựa chọn nghệ thuật miêu tả nội tâm để xây dựng bức chân dung tâm trong của Thúy Kiều khi phải buộc lòng trao duyên cho em.

Nội tâm con người là thế giới vô cùng phức tạp, không dễ nắm bắt, thấu hiểu nên vấn đề miêu tả cho chân thực, sinh động, hấp dẫn là điều rất khó. Nhưng bằng lòng yêu thương sâu sắc đối với số phận bi thảm của người con gái tài hoa, Nguyễn Du đã lựa chọn được hình thức nghệ thuật tương thích để miêu tả thành công diễn biến tâm lí Thúy Kiều. Có thể thấy, toàn bộ đoạn trích là lời thoại của Kiều với Thúy Vân. Tuy nhiên, có lúc Kiều chuyển đối tượng như đang đối thoại đối với Kim Trọng chứ không còn nói với Thúy Vân nữa, có lúc nàng lại tự nói với chính mình.

Đoạn trích gồm 34 câu trong đó mười bốn câu đầu là lời Thúy Kiều nhờ Thúy Vân trả nghĩa Kim Trọng:

Cậy em em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.

Xưa nay người ta chỉ trao nhau vật chất chứ có ai trao duyên bao giờ. Thế nhưng Thúy Kiều lại phải làm cái điều chưa ai từng làm ấy. Trong quan niệm của người xưa, “tình” thường gắn liền với “nghĩa”, Giữa Thúy Kiều và Kim Trọng đã có lời thề trăm năm tạc một chữ đồng đến xương nhưng sự đâu sóng gió bất kì, vì chữ “hiếu” nàng không thể giữ lời thề với chàng Kim nên đành nhờ Thúy Vân trả nghĩa hộ mình. Nguyễn Du đã rất tinh tế khi để Kiều dùng từ cậy mà không dùng từ nhờ vì cậy có ý tin chắc là người khác nhất định sẽ nghe mình. Cũng vậy, chịu lời và nhận lời có vẻ như nhau nhưng chịu lời là nhận lời làm việc không do mình tự nguyện hoặc một việc khó chối từ. Hai chữ mặc em chốt lại màn dạo đầu nhưng lại mang hàm ý giao phó trách nhiệm. Rõ ràng, Kiều ý thức rất rõ việc mình trao duyên cho em là một việc cần thiết, quan trọng. Nàng không chắc Thúy Vân đã nhận lời nên mỗi từ Thúy Kiều nói ra đều được cân nhắc kĩ càng. Không thấu hiểu, đồng cảm với nhân vật của mình, Nguyễn Du không thể viết những câu thơ với những từ đắt như thế.

Sau lời ướm hỏi - thực chất là lời giao phó, Kiều đã kể một cách vắn tắt nhưng khá đầy đủ về cảnh ngộ của mình:

Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề.
Sự đâu sóng gió bất kì,
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.

Lí lẽ nàng đưa ra để thuyết phục Thúy Vân rất hợp lý: Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai và dường như nàng diễn đạt rất trôi chảy. Nhưng thực chất, sau những lời nói ấy, trái tim Kiều bắt đầu cuộn lên nỗi đau đớn khôn xiết. Nhưng nỗi đau đó nàng vẫn phải giấu kín trong lòng để trao duyên cho em một cách trọn vẹn:

Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ thay lời nước non

Để rồi, đến khi phải trao cho Thúy Vân những kỉ vật của tình yêu, trong Kiều nỗi đau đã cuộn lên thành những mâu thuẫn:

Chiếc vành với bức tờ mây,
Duyên này thì giữ, vật này của chung

Tờ hoa tiên ghi lời thề nguyền của Kim Kiều, chiếc vành mây trước đây chàng Kim trao cho Kiều làm của tin giờ nàng đều trao cả cho Thúy Vân. Đành phải trao duyên (trao nhiệm vụ trả nghĩa chàng Kim) cho em để em thay mình đền nghĩa người yêu nên Kiều mới nói duyên này thì giữ. Duyên phải trao đi vì nàng không thể cùng chàng Kim trọn lời thề ước. Còn tình yêu Kiều dành cho Kim làm sao mà trao được. Nó vẫn ở mãi trong lòng nàng. Và những kỉ vật kia chính là dấu tích của mối tình đầu, chính là vật lưu dấu tình yêu Kim Kiều. Phải trực tiếp trao nó vào tay Thúy Vân, có lẽ nào Kiều không tiếc nuối? Hai chữ của chung đủ để diễn tả tất cả: nỗi tiếc xót, nỗi đau và sự cố gắng níu kéo (chị vẫn có phần trong đó). Để rồi, sau tất cả nỗi niềm tâm trạng của Thúy Kiều, chúng ta có thể cảm nhận tình yêu sâu đậm Thúy Kiều dành cho Kim Trọng. Với Kiều, hạnh phúc của người mình yêu là điều hơn hết. Đó chính là lý do khiến nàng trao duyên cho Thúy Vân.

Trong khi nói với Thúy Vân, Kiều cảm tưởng như sống lại với các kỉ niệm của tình yêu với Kim Trọng. Nàng như sống trong hồi ức qua những kỉ vật và nhất là tưởng nhớ lại sự kiện đêm thề nguyền thiêng liêng:

Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.

Rõ ràng trong tâm hồn Kiều, những kỉ niệm đẹp đẽ của tình yêu có sức sống thật mãnh liệt. Nguyễn Du thật tinh tế khi gợi lại các hình ảnh quá khứ: Cảnh chàng Kim cho thêm hương vào lò hương (đài sen nối sáp lò đào thêm hương) và cảnh Kiều đàn cho Kim Trọng nghe (So dần dây vũ dây văn) trong đêm thề nguyền. Mỗi kỉ niệm đã qua đều khắc sâu trong lòng nàng. Điều đó chứng tỏ tình yêu nàng dành cho chàng Kim cực kì sâu sắc. Và cũng yêu sâu sắc, Kiều càng cảm thấy cuộc đời trống trải, vô nghĩa khi không còn tình yêu. Đó là lý do khiến nàng liên tưởng đến cái chết:

Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.
Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.

Mọi cung bậc cảm xúc diễn ra trong Kiều đều hết sức logic. Nguyễn Du đã miêu tả dòng diễn biến nội tâm của nàng một cách chân thực. Mỗi từ ngữ được, mỗi hình ảnh đều được lựa chọn kĩ lưỡng nhằm khắc họa tâm trạng nhân vật.

Nhưng tình yêu không là vật chất, không thể trao đi rồi thì không còn nữa. Kiều trao duyên cho em để rồi phải nhận lại nỗi đau đớn khôn xiết. Nỗi đau đó vốn dĩ không thể được bộc lộ trong lời Thúy Kiều nói với em. Hơn thế, nếu chỉ đơn thuần nói với Thúy Vân thì cảm xúc nhân vật sẽ không đạt tới cao trào, bi kịch của thân phận và tình yêu sẽ không đạt tới đỉnh điểm, nhân cách cao đẹp của Kiều cũng không có điều kiện lộ hiện. Vậy nên Nguyễn Du đã xây dựng những lời độc thoại nội tâm của Kiều ở phần hai đoạn trích:

Bây giờ trâm gãy gương tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!

Đến lúc này, Kiều đã quên hết xung quanh. Nàng chỉ còn khóc cho mình, khóc cho mối tình đầu ngắn ngủi. Đó là tiếng khóc cho một số phận, tiếng kêu đứt ruột cho một mối tình. Để rồi, từ chỗ nói với em, Kiều chuyển sang nói với người yêu, từ giọng đau đớn chuyển thành tiếng khóc:

Trăm ngàn gửi lạy tình quân,
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!
Phận sao phận bạc như vôi!
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!

Trong đoạn thơ ngắn, ba lần Nguyễn Du để Kiều gọi Kim Trọng bằng các từ khác nhau: tình quân, Kim lang, chàng. Đáng chú ý nhất là từ Kim lang. Nó được láy lại, gắn với những thán từ hô gọi ôi, hỡi đầy thê thiết. Trong tâm tưởng, Thúy Kiều đã coi Kim Trọng là chồng cho nên tiếng gọi đó vừa thể hiện sự tiếc nuối vì tình lứa đôi lỡ dở, vừa hàm chứa nỗi đau đớn khôn xiết của nàng. Nàng gọi chàng Kim để nhận lỗi về mình, để oán trách chính mình. Hơn khi nào hết, đây là giây phút đáng thương nhất cuộc đời Thúy Kiều. Bởi lẽ, đó thôi, người con gái ấy còn đang trong cảnh êm đềm trướng rủ màn che, vậy mà giờ đây...

Trao duyên là một trong các đoạn trích xúc động nhất của Truyện Kiều. Trong đoạn trích này, Thúy Kiều hiện lên với rất nhiều cung bậc cảm xúc. Thông qua diễn biến tâm lí nhân vật, Nguyễn Du đã cho người đọc chứng kiến một thân phận bất hạnh, một bi kịch tình yêu đau đớn và một nhân cách thật sự cao đẹp. Với đoạn trích này, Nguyễn Du đã khẳng định tài năng miêu tả tâm lý nhân vật của chính mình.

Các bài học liên quan
Đề số 51: Chỉ ra và phân tích hiệu quả của thủ pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ dưới đây:  Lòng này gửi gió đông có tiện?... Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong. (Chinh phụ ngâm - Nguyễn Gia Thiều; bản dịch của Đoàn Thị Điểm).
Đề số 50: Phân tích giá trị nhân đạo thể hiện trong đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Trích Chinh phụ ngâm).
Đề số 48: Phân tích giá trị biểu cảm của hai câu thơ sau:  Lom khom dưới núi tiều vài chú, Lác đác bên sông chợ mấy nhà. (Qua Đèo Ngang - Bà Huyện Thanh Quan)
Đề số 47: Phân tích giá trị của những từ Hán Việt trong bài thơ Thăng Long thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan: Tạo hóa gây chi cuộc hý trường,... Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.
Đề số 46: Huy Cận đã viết: Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững... Sống hiên ngang mà nhân ái, chan hoà. Những câu thơ trên có thể gợi cho anh (chị) hiểu thêm điều gì về nội dung của văn học Việt Nam nói chung và văn học trung đại nói riêng?...

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 10 mới cập nhật