Ca dao có một số câu bắt đầu bằng “Thân em….”. Anh (chị) hãy tìm hiểu khoảng ba, bốn câu như thế và làm rõ nét đặc sắc của chúng

Những câu ca dao ấy giúp ta hiểu được những nỗi cay đắng dày đặc mà người phụ nữ Việt Nam ngày xưa đã phải trải qua và đồng tình với khát vọng “cất nổi mình mà bay’’ của họ.

      Trong ca dao Việt Nam có một điều rất lạ: nhiều câu ca dao hoàn toàn không khác nhau về nội dung, ý nghĩa, nhưng lại cùng tồn tại và mỗi câu đều đem lại niềm hứng thú riêng cho người thưởng thức. Chẳng hạn có rất nhiều câu bắt đầu bằng “Thân em” cùng nói lên số phận đắng cay của người phụ nữ ngày xưa:

Thân em như tấm lụa đào,

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

Thân em như hạt mưa sa,

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.

Thân em như giếng giữa đàng,

Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.

Thân em như con hạc đầu đình,

Muốn bay không cất nổi mình mà bay.

     Cái chung của những câu ca dao này là gì? Tất cả đều nói lên tình cảnh cay đắng của người phụ nữ, bị tước đoạt quyền tự do, quyền quyết định hanh phúc của mình, hoàn toàn phó mặc cho ngẫu nhiên của số phận. Cho dẫu phẩm chất đẹp đẽ, cao quý như tấm lụa đào, phẩm chất ấy không là cái đảm bảo cho hạnh phúc. Cho dẫu hoàn toàn giống nhau về giá trị, như những hạt mưa từ trời cao sa xuống, số phận của những người con gái cũng chưa chắc giống nhau; sự may rủi của đời có thể đưa đến những khác biệt, thậm chí những số phận tương phản. Sự may rủi có thể đưa đến những cảnh ngộ, hoặc dược trân trọng hoặc bị bạc đãi, như cùng là nước giếng, mà cũng có thể được dùng cho người rửa mặt, hoặc bị đưa cho người rửa chân. Như con hạc đầu đình, người phụ nữ bị trói chặt vào số phận, dẫu có ao ước đổi thay, họ không sao có thể quyết định được. Cả bốn câu ca dao, với những sự so sánh khác nhau, cùng cho ta biết một thực trạng của chế độ phong kiến: quyền sống của người phụ nữ, mà trước hết là quyền tự do quyết định đời mình, hoàn toàn bị phủ nhận. Đó chính là nguồn gốc của mọi đau khổ, mọi cảnh ngang trái mà người phụ nữ phái chịu đựng trong cả đời người dằng dặc.

     Cả bốn câu ca dao là bốn tiếng than dài, làm nên một chuỗi tiếng than buồn bã, đau đớn. Mở đầu bằng “Thân em”, những người phụ nữ ngày xưa đã hiểu được nỗi khổ của mình, nỗi khổ riêng và nỗi khổ chung của mọi người phụ nữ. Bởi xét cho cùng, dẫu cho có tấm lụa đào nào được rơi vào tay khách quý, có hạt mưa sa nào được vào nơi đài các, có nước giếng nào dược đem rửa mặt, thì cũng nhờ vào may mắn mà có, nên thực ra nó cũng bấp bênh. Huống chi trong bao nhiêu tấm lụa đào, bao nhiêu hạt mưa sa, bao nhiêu nước giếng, mới có được một số phận sáng tươi. Cho nên đau khổ vẫn là cái chung. Những câu ca dao trên chính là tiếng than đã cất lên từ hàng triệu cuộc đời trong nghìn năm của chế độ phong kiến. Than vãn mà không oán trách, bởi vì không biết oán trách ai, người phụ nữ ngày xưa chỉ biết đó là thân em, cái sô phận đã dành cho mình, không thể cắt nghĩa được.

     Cả bốn câu ca dao hầu như được đúc ra từ một khuôn: ngoài cái giống nhau về nội dung, cả bốn câu đều giống nhau về kết cấu. Mỗi câu là một so sánh nghệ thuật. Bắt đầu bằng “Thân em” rồi tiếp theo là một sự vật so sánh ở nữa câu trên, để chỉ thân phận của người phụ nữ.

     Tuy nhiên, những câu ca dao ấy không hoàn toàn giống nhau. Nếu hoàn toàn giống nhau, chúng đã không tồn tại. Trên cơ sở giống nhau về ý nghĩa, mỗi câu ca dao lại khác nhau về hình ảnh so sánh. Và đó chính là điều tạo nên sắc thái riêng hứng thú riêng.

      Hình ảnh “tấm lụa đào” gợi nên một ý niệm đẹp, đẹp từ chất liệu, dáng vẻ đến màu sắc “Người đẹp nhờ lụa”, bởi đó là thứ vải mặc được dệt từ loại tơ tằm tốt nhất, bóng sáng, mềm dịu, mặc vào thì mát mẻ, làm đẹp con người lên. Đã lụa lại lụa màu hoa đào nữa thì đẹp quá. Quý thế nhưng khi đem bán thì phải bày lụa ra giữa chợ, để nó “phất phơ giữa chợ”, giữa chốn “trăm người bán, vạn người mua”, có đủ thứ người sang kẻ hèn, người thanh kẻ tục. Lụa đẹp nhưng đã chắc gì có người biết đúng giá trị của nó, thật là tội nghiệp cho tấm lụa!

      Hình ảnh “hạt mưa sa” lại gợi lên một sắc thái khác. Đố ai đếm được có bao nhiêu hạt mưa từ trời rơi xuống trong một cơn mưa! Mọi hạt đều trong trẻo như nhau, ngọt mát như nhau, nhỏ bé như nhau, không có hạt mưa nào hơn hạt mưa nào. Thế nhưng giữa cơn mưa đầy trời ấy, chỗ “rơi xuống”, số phận cuối cùng của các hạt mưa đã không giống nhau. Giữa triệu triệu hạt mưa rơi xuống đất, một số  ít hạt mưa may mắn hơn, không rơi xuống bùn lầy, không rơi mất hút vào luống đất vừa cày xới, lại rơi ngay vào chôn lầu son gác tía. Thật là một bức tranh sinh động.

     Câu thứ ba lấy hình ảnh so sánh là “giếng nước giữa đàng”, một hình ảnh vốn quen thuộc với làng xóm ngày xưa. Vì là giữa đàng nên có bao nhiêu người qua lại. Giữa những người qua lại tất nhiên có người khôn (người có lòng, có con mắt tinh đời...), kẻ phàm (kẻ tầm thường, bần tiện...). Thái độ của người sử dụng nước giếng giữa đàng không phải do nước giếng mà do phẩm chất của người dùng nước. Hai hình ảnh “rửa mặt” với “rửa chân” thật là sinh động và thú vị.

     Câu ca dao thứ tư dùng hình ảnh so sánh mới thật sắc sảo: “Con hạc đầu đình” vốn không phải là một sinh vật mà là một vật dụng để thờ, bằng gỗ hay bằng đồng. Con hạc ấy không thế bay được. Như nhìn vào thân phận của mình, người phụ nữ xưa đã gán cho nó cái ý “muốn bay” để rồi từ đó nhận ra “không cất nổi mình mà bay”. Sự tương phản giữa ý muốn chủ quan với thực tế khách quan đến là mạnh mẽ. Từ câu ca dao như bật lên niềm khát khao và một nỗi bất bình, bức bối đến nghẹt thở.

     Ta cắt nghĩa như thế nào về sự cùng tồn tại của những câu ca dao vừa giống nhau vừa khác nhau đó?

      Trước hết, ca dao là những tác phẩm đã được sáng tạo ra bởi nhiều người khác nhau, ở những thời kì khác nhau, trên những vùng đất khác nhau. Gặp cảnh ngộ đắng cay, với cách nói cụ thể có hình ảnh, người nông dân xưa liên kết số phận mình với một hình ảnh trùng hợp có trước mắt, thế là câu ca dao ra đời. Câu ca dao ấy vừa mang tâm tư của người sáng tác vừa mang luôn dấu ấn của thực tế mà người sáng tác đang đối diện. Không hẹn mà nên, cái chung của số phận đã làm cho những câu ca dao vốn không hề biết nhau lại gặp nhau ở một nội dung chung.

       Mặt khác, cả khi trong tâm trí đã có sẵn một câu ca dao cũ của người khác, thì gặp cảnh ngộ của mình, dẫu giống mà vẫn có nét khác với nhiều người đi trước đã nói. Đó không phải là sự lập lại mà chỉ là việc bổ sung cho cái đã có thêm đa dạng.

       Chỉ xét riêng bốn câu ca dao “Thân em”, ta cũng thấy được ca dao thật là thú vị, đúng là sản phẩm của tài năng và tâm hồn phong phú của quần chúng nhân dân. Những câu ca dao ấy giúp ta hiểu được những nỗi cay đắng dày đặc mà người phụ nữ Việt Nam ngày xưa đã phải trải qua và đồng tình với khát vọng “cất nổi mình mà bay’’ của họ.

dayhoctot.com

 

Các bài học liên quan
Soạn bài Ca dao hài hước trang 90 SGK Ngữ văn 10
Tiếng cười trong ca dao
Phân tích những bài Ca dao hài hước

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 10 mới cập nhật