Đề học kì 1 lớp 6 môn Văn – Phòng GD&ĐT Vĩnh Tường năm 2016 có đáp án
DayHocTot.com xin gửi tới các em học sinh Đề học kì 1 lớp 6 môn Văn – Phòng GD&ĐT Vĩnh Tường năm 2016 có đáp án. Hy vọng nó sẽ giúp các em học và làm bài tốt hơn.
- Đề thi, bài kiểm tra liên quan:
- Đáp án và đề thi học kì 1 môn Văn lớp 6 trường THCS Trần Quốc Toản mới nhất 2016
- Đề thi giữa học kì 1 lớp 6 môn Văn – Nam Trực có đáp án chi tiết 2016
- Đề Thi học kì 1 môn Toán, Văn lớp 6 có đáp án trường THCS Long Mỹ 15-16
- Ngữ pháp tiếng anh đầy đủ nhất
Đề thi học kỳ 1 môn Văn lớp 6 có đáp án – của Phòng GD&ĐT Vĩnh Tường: Kể lại một kỉ niệm mà em nhớ nhất về thầy giáo hoặc cô giáo cũ của mình.
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VĨNH TƯỜNG
ĐỀ THI HỌC KÌ 1
MÔN: VĂN – LỚP 6
NĂM HỌC 2016 – 2017
Thời gian làm bài 90 phút
I. Phần trắc nghiệm: (2 điểm) Đọc kĩ các câu hỏi sau, chọn đáp án đúng nhất ghi vào bài làm của mình.
1: Truyền thuyết là gì?
A. Câu chuyện với những yếu tố hoang đường nhưng có liên quan đến các sự kiện, nhân vật lịch sử của một dân tộc.
B.Những câu chuyện hoang đường.
C.Lịch sử dân tộc, đất nước được phản ánh chân thực trong các câu chuyện về một hay nhiều nhân vật lịch sử.
D.Cuộc sống hiện thực được kể lại một cách nghệ thuật.
2: Ý nghĩa nổi bật nhất của hình tượng “Cái bọc trăm trứng” là gì?
A. Giải thích sự ra đời của các dân tộc Việt Nam.
B.Ca ngợi sự hình thành nhà nước Văn Lang.
C.Tình yêu đất nước và lòng tự hào dân tộc.
D.Mọi người, mọi dân tộc Việt Nam phải thương yêu nhau như anh em một nhà.
3: Trong 4 cách chia loại từ phức sau đây, cách nào đúng?
A. Từ phức và từ ghép. | C.Từ phức và từ láy. |
B.Từ ghép và từ láy. | D.Từ phức và từ đơn. |
4: Nhận định nào dưới đây nêu đúng nhất về chức năng của văn bản?
A. Trò chuyện. | B.Ra lệnh. | C.Dạy học. | D.Giao tiếp. |
II. Phần tự luận: (8 điểm).
1: (2 điểm).
a) Ghi lại các từ mượn có trong câu dưới đây, cho biết các từ ấy được mượn của tiếng (ngôn ngữ) nước nào?
Ông vua nhạc Pop Mai-cơn Giắc-xơn đã quyết định nhảy vào lãnh địa in-tơ-nét với việc mở một trang chủ riêng.
b) Trong các câu sau, câu nào có từ ăn được dùng với nghĩa gốc, câu nào được dùng với nghĩa chuyển.
– Cơm ăn ba bát sao no,
Kẻ về người ở sao cho đành lòng.
(Ca dao)
– Nó rất ăn ảnh, chụp kiểu gì cũng đẹp.
– Đó là những kẻ chuyên ăn bám mà vẫn không biết xấu hổ.
– Học ăn học nói, học gói học mở.
(Tục ngữ)
2: (1 điểm).
Nêu nghệ thuật và nội dung của truyện Con Rồng, cháu Tiên (Ngữ văn 6, tập một).
3: (5 điểm).
Kể lại một kỉ niệm mà em nhớ nhất về thầy giáo hoặc cô giáo cũ của mình.
ĐÁP ÁN & HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA HỌC KÌ I
Môn: Ngữ Văn – Lớp 6
I- Phần trắc nghiệm: (2 điểm) Mỗi ý đúng cho 0,5 đ
Câu | 1 | 2 | 3 | 4 |
Đáp án | A | D | B | D |
II- Phần tự luận: (8 điểm)
Câu |
Yêu cầu |
Điểm |
1
(2đ) |
a. Xác định đúng như sau:
+ Tiếng của nước Anh: Pop, Mai-cơn Giắc-xơn, in-tơ-nét + Tiếng Hán: lãnh địa, quyết định. b. Xác định đúng nghĩa gốc và nghĩa chuyển của từ “ăn” trong các ví dụ đã cho (mỗi ví dụ xác định đúng cho 0,5 điểm): – Câu 1 (cơm ăn) và câu 4 (học ăn): được dùng với nghĩa gốc. – Câu 2 (ăn ảnh) và câu 3 (ăn bám): được dùng với nghĩa chuyển |
0,5 0,5
0,5 0,5 |
2
(1đ) |
– Về nghệ thuật của truyện: Truyện “Con Rồng Cháu Tiên” có nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo như hình tượng các nhân vật thần có nhiều phép lạ và hình tượng bọc trăm trứng…
– Về nội dung của truyện: nhằm giải thích, suy tôn nguồn gốc giống nòi và thể hiện ý nguyện đoàn kết thống nhất cộng đồng của người Việt. |
0,5
0,5 |
3. (4 điểm)
Kể lại một kỉ niệm mà em nhớ nhất về thầy giáo hoặc cô giáo cũ của mình
Bài làm tham khảo
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa”
Đó chính là những câu thơ nói về nghề giáo, nghề mà luôn được yêu quý, kính trọng. Tôi rất yêu mến các thầy cô giáo của mình, nhưng người để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc nhất chính là cô Kim Anh- cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi.
Cô có mái tóc rất dài, mượt mà, đen nhánh và luôn phảng phất hương thơm. Đôi mắt cô to tròn, đen láy, vô cùng cương nghị nhưng cũng không kém phần dịu dàng. Khi chúng tôi đạt thành tích cao trong học tập, cô luôn nhìn chúng tôi với ánh mắt trìu mến. Còn mỗi khi chúng tôi mắc lỗi, đôi mắt cương nghị của cô lại đượm buồn. Đôi bàn tay cô thon dài, luôn viết ra những mạch văn giàu cảm xúc để chuyển tải bài học đến với chúng tôi. Cô còn giúp chúng tôi nhớ bài lâu hơn bằng giọng nói của mình. Giọng nói của cô thật truyền cảm, khi thì dịu dàng, ấm áp, lúc lại dí dỏm, vui tươi khiến cho chúng tôi luôn tập trung vào bài học, quên cả thời gian. Tính cách cô hiền lành, chính trực, cô luôn nghiêm túc với công việc của mình. Hàng ngày, cô rất hay vui đùa với chúng tôi nhưng khi đã vào tiết học, cô cũng rất nghiêm khắc. Với cô dạy học không chỉ là một nghề, mà còn là một niềm đam mê. Cô luôn chuẩn bị rất kỹ cho bài giảng của mình, nhiều khi cô còn sử dụng cả những đoạn clip ngắn về bài học, giúp chúng tôi có thể tiếp thu bài nhanh nhất. Dù cô đã là một giáo viên nhưng cô vẫn học, đó là sở thích của cô. Cô luôn thức đến ba, bốn giờ sáng mới đi ngủ vì sau khi soạn giáo án, cô lại tiếp tục học bài. “Học như một con đò ngược dòng vậy, các con ạ!” Lời cô nói thấm thía lòng chúng tôi.
Tôi nhớ nhất là khi cô đi thăm quan với lớp chúng tôi. Lúc ấy, trên nét mặt cũng như trong đôi mắt của cô thể hiện sự lo lắng, bồn chồn không yên. Sau đó, chúng tôi mới vỡ lẽ, ra là hôm ấy, cô có bài thi môn triết học nhưng cô đã nghỉ thi để đi cùng với lớp chúng tôi vì cô sợ rằng có vấn đề gì không hay với chúng tôi, cô sẽ ân hận cả đời.
Một kỉ niệm đáng nhớ khác là khi tôi học hè. Khi ấy, tôi khá lo sợ do tôi đã nghỉ mất hai tuần. Tôi bước vào lớp với tâm trạng lo lắng. Cô biết là tôi đã nghỉ học, cô bèn giảng lại cho tôi những chỗ tôi chưa biết, chưa hiểu, rồi nhờ bạn cho tôi mượn vở để chép bù bài. Lúc đó tôi thấy mình nhẹ nhõm, thầm cảm ơn cô và các bạn.
Quả thật, nghề giáo thật là cao quý, giống như câu ví: “Nghề giáo là người lái đò tri thức qua sông”. Đó cũng là nghề mà tôi mong ước sau này khi trưởng thành. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, tôi muốn gửi lời chúc tới cô rằng: “Con chúc cô luôn mạnh khỏe! Con yêu cô nhiều lắm!”