Đọc hiểu văn bản Ra-ma buộc tội
Gợi dẫn 1. Thể loại Sử thi là giai đoạn thứ hai trong lịch sử phát triển của văn học cổ đại ấn Độ, một nền văn học ra đời trên cơ sở nền văn minh lớn và phát triển sớm của nhân loại – văn minh sông ấn. Sử thi là một thể loại lớn của văn học dân gian, nó là niềm tự hào của các dân tộc trên thế giới vào buổi bình minh của loài người.
I - Gợi dẫn
1. Thể loại Sử thi là giai đoạn thứ hai trong lịch sử phát triển của văn học cổ đại ấn Độ, một nền văn học ra đời trên cơ sở nền văn minh lớn và phát triển sớm của nhân loại – văn minh sông ấn. Sử thi là một thể loại lớn của văn học dân gian, nó là niềm tự hào của các dân tộc trên thế giới vào buổi bình minh của loài người.
Sử thi ra đời trên cở sở phát triển từ thần thoại. Cảm hứng chủ đạo là ngợi ca và khẳng định sức mạnh cộng đồng qua một nhân vật anh hùng nào đó. Sử thi là một di sản vô cùng quý giá của văn hoá nhân loại, bởi nó không chỉ có giá trị văn hoá, giá trị lịch sử mà còn là thành tựu của những nền văn minh từng phát triển rực rỡ của nhân loại thời cổ đại.
2. Tác phẩm
Ra-ma-ya-na là niềm tự hào của nhân dân ấn Độ. Bộ sử thi kể về những chiến công của hoàng tử Ra-ma và cuộc tình duyên của chàng với nàng Xi-ta xinh đẹp và đức hạnh. Theo truyền thuyết, câu chuyện về hoàng tử Ra-ma được lưu truyền trong dân gian từ xưa, về sau được một tu sĩ Bà-la-môn tên là Van-mi-ki, người có nguồn cảm hứng đặc biệt và có trí nhớ kì lạ, ghi lại thành văn vần bằng tiếng Xăng-cơ-rít vào khoảng thế kỉ III trước Công nguyên. Ra-ma-ya-na là một bài ca thời đại và trở nên bất hủ nhờ tài nghệ của người kể chuyện. Nhà thơ đã biết sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật đặc sắc để miêu tả, đặc biệt đã khai thác sâu vào thế giới nội tâm của các nhân vật và diễn tả được tình cảm đắm say mãnh liệt ở họ – những con người đại diện cho cả cộng đồng mình.
Đoạn trích Ra-ma buộc tội thuộc khúc ca thứ sáu, chương 79, thể hiện được một số nét tiêu biểu trong nghệ thuật kể chuyện và nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác phẩm. Ra-ma là một vị hoàng tử, chàng thuộc đẳng cấp Kơ-xa-tri-a, nên hành động và lời nói của chàng phải tuân theo những quy định của đẳng cấp. Theo đạo lí Đác-ma, chàng phải bảo vệ danh dự của mình và dòng tộc. Vì nhớ thương Xi-ta, vì bảo vệ danh dự mà chàng đã cứu Xi-ta khỏi tay quỷ vương, nhưng cũng chính vì danh dự mà chàng đã phải đau đớn buộc tội Xi-ta. Đoạn trích thể hiện rất thành công nỗi đau của Ra-ma và Xi-ta, hai con người ưu tú của nhân dân ấn Độ. Nỗi đau ấy làm toả sáng vẻ đẹp của họ, một con người thuỷ chung trong sáng, một người anh hùng dân tộc.
3. Tóm tắt
Sau chiến thắng, Ra-ma nghi ngờ tiết hạnh của Xi-ta. Chàng nổi cơn ghen dữ dội. Dù thấy đôi mắt đẫm lệ của Xi-ta, lòng Ra-ma như dao cắt nhưng sợ tai tiếng nên chàng vẫn buông những lời xúc phạm nàng. Xi-ta đau đớn như cây dây leo bị vòi voi quật nát. Nàng lấy tư cách của mình ra thề, rồi giải thích, thanh minh trong tiếng nức nở nghẹn ngào nhưng không lay chuyển được Ra-ma. Cuối cùng, nàng đành chứng minh phẩm hạnh, lòng thuỷ chung của mình trước mọi người bằng cách dũng cảm bước lên giàn lửa. Tất thảy mọi người, kể cả loài Rắc-sa-xa và Va-na-ra cùng bật lên tiếng khóc vang trời trước cảnh tượng đau đớn đó.
4. Cách đọc và kể
Giọng đọc và kể khẳng khái thể hiện ý thức về sức mạnh và danh dự của Ra-ma ; giọng trầm thể hiện diễn biến tâm trạng của Xi-ta từ tin yêu đến bối rối, đau khổ và tuyệt vọng.
II - Kiến thức cơ bản
1. Về hình tượng Ra-ma
Ra-ma ra sức cứu Xi-ta rồi lại kết tội nàng (“Nay ta phải nghi ngờ tư cách của nàng, vì nàng đã lưu lại lâu trong nhà một kẻ xa lạ”, “Nàng đã bị quấy nhiễu khi ở trong vạt áo của Ra-va-na, đôi mắt tội lỗi của hắn đã hau háu nhìn khắp người nàng…”, và quyết định rời bỏ nàng (“trông thấy nàng, ta không chịu nổi”, “nàng muốn đi đâu tuỳ nàng, ta không ưng có nàng nữa”, “Nay mục đích cứu nàng đã đạt được rồi, ta không cần đến nàng nữa. Nàng muốn đi đâu tuỳ ý”). Bởi vì, Ra-ma cứu Xi-ta vì danh dự (“Kẻ nào bị quân thù lăng nhục mà không đem tài nghệ của mình ra để trả thù là kẻ tầm thường”, “chẳng phải vì nàng mà ta đã đánh thắng kẻ thù với sự giúp đỡ của bạn bè. Ta làm điều đó vì nhân phẩm của ta, để xoá bỏ vết ô nhục, để bảo vệ uy tín và danh dự của dòng họ lừng lẫy tiếng tăm của ta. Ta làm điều đó chính là để chứng tỏ ta không thuộc về một gia đình bình thường”) và buộc tội, từ bỏ nàng cũng vì danh dự (“Người đã sinh trưởng trong một gia đình cao quý có thể nào lại lấy về một người vợ từng sống trong nhà kẻ khác…”). Sống vì danh dự, vinh quang, bổn phận, lòng kiêu hãnh, tự hào trước cộng đồng, dù không đủ chứng cứ để khẳng định tội lỗi của Xi-ta thì Ra-ma cũng không thể để cho bất kì điều mờ ám nào ảnh hưởng tới lí tưởng ấy của chàng. Ra-ma muốn buộc tội và ruồng bỏ Xi-ta trước mặt người khác cũng vì chàng muốn công khai, khẳng định ý thức về danh dự của mình trước cộng đồng. Như vậy, từ hành động đến lời nói của Ra-ma hoàn toàn nhất quán với mẫu hình lí tưởng về người anh hùng sử thi xưa. Hiểu như vậy, ta mới có thể lí giải được tại sao Ra-ma không hề ngăn cản việc Xi-ta bước vào giàn lửa tự thiêu.
2. Về hình tượng Xi-ta
Trước những lời lẽ buộc tội, sỉ nhục thậm tệ của Ra-ma, Xi-ta đau đớn, tủi hổ tột độ. Trong nước mắt nghẹn ngào, nức nở, Xi-ta đã tự bênh vực mình bằng những lời lẽ hết sức xúc động. Nàng phủ nhận lời buộc tội của Ra-ma : “Thiếp đâu phải là người như chàng tưởng ! … Nếu chàng có hiểu biết thiếp chút đỉnh thì xin hãy từ bỏ mối ngờ vực không căn cứ đó đi”. Trước hết, nàng phủ nhận lời buộc tội của Ra-ma và tự biện hộ cho mình bằng lí lẽ thấu đáo : “Chàng xem, Ra-va-na đã đụng tới thiếp khi mà thiếp đang chết ngất đi, làm thế nào tránh được ? Về điều đó, chỉ có số mệnh của thiếp là đáng bị chê trách, nhưng những gì nằm trong vòng kiểm soát của thiếp, tức trái tim thiếp đây, là thuộc về chàng…”. Và qua lời biện hộ của mình, Xi-ta đã cho thấy quan niệm về danh dự của nàng rất khác với quan niệm về danh dự của Ra-ma. Nếu như đối với Ra-ma, danh dự là ý thức trách nhiệm, niềm vinh quang trước dòng tộc, cộng đồng thì với Xi-ta, danh dự là tình yêu, lòng chung thuỷ, là sự trong trắng của trái tim : “Thiếp còn gì là thanh danh, nếu như chàng vẫn chưa hiểu được thiếp qua tình yêu của thiếp và qua tiếp xúc với tâm hồn của thiếp”, “chàng đã không hiểu được bản chất của thiếp”,… Tiếp đến, thái độ phủ nhận, ý thức về phẩm tiết, đức hạnh, lòng trung trinh của Xi-ta còn được thể hiện qua hành động quyết liệt, đầy tinh thần dũng cảm : nhảy vào lửa. Với một quan niệm về phẩm hạnh, lẽ sống, tình yêu, đức chung thuỷ như thế, hành động tự thiêu của Xi-ta là hoàn toàn thuần nhất và là biểu hiện đỉnh điểm cho tính cách, ý thức bênh vực cho chính mình của nàng.
3. Về nghệ thuật
Thứ nhất, đoạn trích Ra-ma buộc tội có hình thức một văn bản tự sự, được cấu tạo bằng lời kể, lời thoại và lời miêu tả. Lời kể : “Gia-na-ki khiêm nhường đứng trước Ra-ma. Ra-ma nói” ; “Nghe những lời đó, Gia-na-ki mở tròn đôi mắt đẫm lệ … trước mặt những người khác” ; “Nghe những lời giận dữ đó của Ra-ma, Gia-na-ki đau đớn đến nghẹt thở, … rồi bằng giọng nghẹn ngào, nức nở, nàng nói” ; “Nói dứt lời, Gia-na-ki òa khóc … và suy nghĩ ủ ê” ; “Cố nén cơn giận … nàng thưa với thần Lửa A-nhi” ; “Nói dứt lời, Gia-na-ki lượn quanh giàn thiêu … khóc vang trời trước cảnh tượng đó”. Lời thoại : “Hỡi phu nhân cao quý ! … và nương tựa vào ta” ; “Để trả thù sự lăng nhục … Ra-va-na đâu có chịu đựng được lâu” (lời thoại của Ra-ma). “Cớ sao chàng lại dùng những lời lẽ … nay xem ra hoàn toàn vô ích !” ; “Hỡi Lắc-ma-na, em hãy chuẩn bị … từ bỏ tấm thân này cho ngọn lửa” ; “Nếu con trước sau một lòng … thần A-nhi phù hộ cho con” (Lời thoại của Xi-ta). Lời miêu tả : “như một thiên thần bị đuổi khỏi trời do một thần chú nguyền rủa, các phụ nữ bật ra tiếng kêu khóc thảm thương”… Trong đoạn trích này, các lời thoại có vai trò trực tiếp thể hiện tính cách nhân vật.
Thứ hai, các chi tiết mang tính huyền thoại : Xi-ta cúi lạy chư thần, cầu thần Lửa A-nhi, “lượn quanh giàn thiêu”, “Trước mặt mọi người, trang tuyệt thế giai nhân đó nạp mình cho lửa. Các bậc thánh, các chư thần nhìn Gia-na-ki bước vào lửa, chẳng khác một lễ vật trong lễ tế sinh”, và nàng được xem như “một thiên thần bị đuổi khỏi trời do một thần chú nguyền rủa”,… Tác giả sử dụng các chi tiết này vừa thể hiện tính chất thiêng liêng, kì bí của một lễ nghi, vừa xoá đi vẻ bi thảm của tình huống, để hình ảnh sử thi sáng lên vẻ bi hùng bay bổng.
Thứ ba, nghệ thuật miêu tả tâm lí, qua đó khắc hoạ tính cách nhân vật của tác giả thể hiện rõ nhất ở hai nhân vật Ra-ma và Xi-ta, đặc biệt là Ra-ma. Trạng thái tâm lí của hình tượng nhân vật Ra-ma được miêu tả nổi bật qua xung đột trong ý thức của nhân vật này. Khi đã chiến thắng, giải quyết được xung đột cộng đồng, cũng là lúc Ra-ma phải đối diện với xung đột trong đời sống riêng tư. Cơn ghen tuông, mối nghi ngờ về đức hạnh, phẩm tiết của Xi-ta là đỉnh điểm của mối xung đột giữa danh dự, vinh quang, bổn phận anh hùng với tình yêu. Sự lựa chọn của Ra-ma là sự lựa chọn sử thi, diễn biến trong tâm lí của chàng phù hợp với lí tưởng thẩm mĩ về người anh hùng.
Tâm lí của Xi-ta tuy không phức tạp và hàm chứa xung đột như Ra-ma, song nó bộc lộ quan niệm về ý thức phẩm hạnh, đạo đức của người phụ nữ ấn Độ. Những lời lẽ buộc tội và ruồng bỏ của Ra-ma đã châm ngòi cho chuỗi diễn biến tâm lí trong nhân vật Xi-ta, từ trạng thái vui mừng, hạnh phúc chờ đợi Ra-ma sẽ dang tay đón về đến trạng thái đau khổ, tủi hổ cực độ và dẫn tới tâm trạng uất ức, thất vọng tràn trề. Quyết định tự thiêu cho thấy sự mạnh mẽ, quyết liệt, can đảm của Xi-ta, cũng là biểu hiện của diễn biến tất yếu trong tâm lí nhân vật này. Tất cả đã được diễn tả sâu sắc trong lời thoại, thái độ và hành động đậm chất sử thi.
Đoạn trích ca ngợi phẩm chất cao đẹp của nàng Xi-ta – người phụ nữ ấn Độ cổ đại và tính cách Ra-ma – người anh hùng của sử thi ấn Độ.
III - Liên hệ
Ra-ma buộc tội là chương đặc sắc trong sử thi Ra-ma-ya-na. Chương này có liên quan chặt chẽ với ba chương trước (76, 77, 78) và hai chương sau đó (80, 81) trong khúc ca thứ sáu của sử thi. Nếu xét về sự hoàn chỉnh của cốt truyện thì tác giả có thể kết thúc ở chương 78 (Gặp gỡ), vì mục đích tiêu diệt kẻ thù, giải phóng đảo Lan-ka cứu nàng Xi-ta của Ra-ma đã đạt được. Nhưng nếu như vậy thì Ra-ma-ya-na chỉ là bản anh hùng ca bình thường, không có gì nổi bật. Cái hay của nó là tác giả đã tạo ra bước ngoặt lớn trong quá trình diễn biến của cốt truyện ở chương Ra-ma buộc tội này. Sự thay đổi tính cách của Ra-ma đã đem đến một bất ngờ cho độc giả. ở chương 75, Ra-ma đang bình thản “cất cây cung, chiếc áo giáp do In-đra ban và cùng những thứ đó trút bỏ cơn thịnh nộ, vẻ mặt chàng trở nên hoà nhã”([1]). Nhưng khi sắp gặp gỡ Xi-ta bỗng nhiên lòng chàng nổi lên cơn ghen tuông, ngờ vực cực độ như dòng sông đang phẳng lặng bỗng cuộn lên cơn phong ba bão táp.
… Tác giả đã miêu tả xung đột tâm lí của Ra-ma và Xi-ta trong cuộc gặp lại đầy thử thách và éo le. Tâm trạng hai người cứ biến đổi theo nhịp điệu đối thoại. Điểm đỉnh của xung đột là cảnh Xi-ta nhảy vào lửa, mâu thuẫn được cởi nút. Tính cách của Ra-ma và Xi-ta ở đây cũng được khẳng định nhất quán.
Có thể lấy nhận định của Ro-met Đơt (Romesh Dalt) – nhà ấn Độ học – để khẳng định nghệ thuật thể hiện tâm lí nhân vật trong chương Ra-ma buộc tội : “Ngay cả đến Sếch-xpia cũng không thể diễn tả được sự thôi thúc của những tâm tình cuồng nhiệt trong lòng người một cách sống động, chân thực và mạnh mẽ ghê gớm như đã thấy trong Ra-ma-ya-na“.
dayhoctot.com
- Một số tác giả, tác phẩm văn học tham khảo
- Tuần 1 sgk ngữ văn 10
- Tuần 2 sgk ngữ văn 10
- Tuần 3 sgk ngữ văn 10
- Tuần 4 sgk ngữ văn 10
- Tuần 5 sgk ngữ văn 10
- Tuần 6 sgk ngữ văn 10
- Tuần 7 sgk ngữ văn 10
- Tuần 8 sgk ngữ văn 10
- Tuần 9 sgk ngữ văn 10
- Tuần 10 sgk ngữ văn 10
- Tuần 11 sgk ngữ văn 10
- Tuần 12 sgk ngữ văn 10
- Tuần 13 sgk ngữ văn 10
- Tuần 14 sgk ngữ văn 10
- Tuần 15 sgk ngữ văn 10
- Tuần 16 sgk ngữ văn 10
- Tuần 17 sgk ngữ văn 10
- Tuần 18 sgk ngữ văn 10
- Tuần 19 sgk ngữ văn 10
- Tuần 20 sgk ngữ văn 10
- Tuần 21 sgk ngữ văn 10
- Tuần 22 sgk ngữ văn 10
- Tuần 23 sgk ngữ văn 10
- Tuần 24 sgk ngữ văn 10
- Tuần 25 sgk ngữ văn 10
- Tuần 26 sgk ngữ văn 10
- Tuần 27 sgk ngữ văn 10
- Tuần 28 sgk ngữ văn 10
- Tuần 29 sgk ngữ văn 10
- Tuần 30 sgk ngữ văn 10
- Tuần 31 sgk ngữ văn 10
- Tuần 32 sgk ngữ văn 10
- Tuần 33 sgk ngữ văn 10
- Tuần 34 sgk ngữ văn 10
- Tuần 35 sgk ngữ văn 10