Đề số 8: Từ những kiến thức về truyện cổ tích Việt Nam, đặc biệt là qua việc học truyện cổ tích Tấm Cám, anh chị hiểu thế nào về những câu thơ sau đây của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: Ta lớn lên bằng... Hoa của đất, người trồng cây dựng của

Từ thủa nằm nôi, mỗi chúng ta đã được mẹ, được bà trao cho niềm tin yêu cuộc sống từ những lời ru ầu ơ, từ những câu chuyện cổ tích, cổ tích từ bao đời nay luôn là điểm tựa tinh thần của con người, luôn nâng đỡ con người vượt lên mọi nỗi khổ đau trong cuộc đời, để đến với hạnh phúc trọn vẹn.

Đề số 8: Từ những kiến thức về truyện cổ tích Việt Nam, đặc biệt là qua việc học truyện cổ tích Tấm Cám, anh chị hiểu thế nào về những câu thơ sau đây của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm:

Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật
Biết bao nhiêu hạnh phúc có trên đời
Dẫu phải khi cay đắng dập vùi
Rằng có cô Tấm cũng về làm hoa hậu .
Cây khế chua cô đại bàng đến đậu
Chim ăn rồi trả ngon ngọt cho ta
Đất đai cằn cỗi thì người sẽ nở hoa
Hoa của đất, người trồng cây dựng của.
                                        (Đất nước - Trường ca Mặt đường khát vọng)

Bài làm

Từ thủa nằm nôi, mỗi chúng ta đã được mẹ, được bà trao cho niềm tin yêu cuộc sống từ những lời ru ầu ơ, từ những câu chuyện cổ tích, cổ tích từ bao đời nay luôn là điểm tựa tinh thần của con người, luôn nâng đỡ con người vượt lên mọi nỗi khổ đau trong cuộc đời, để đến với hạnh phúc trọn vẹn.

Cho đến tận bây giờ, đối với nhiều người, khi phải đối diện với cuộc sống còn bộn bề, khốn khó truyện cổ tích vẫn luôn ru về, luôn mang đến cảm giác bình yên, hạnh phúc. Bằng trải nghiệm của chính bản thân, Nguyễn Khoa Điềm đã khẳng định giá trị tinh thần lớn lao của những câu chuyện cổ.

Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật
      Biết bao nhiêu hạnh phúc có trên đời

Mỗi chúng ta chẳng lớn lên từ những câu chuyện cổ. Cổ tích là nơi cất giấu bao niềm tin và ước mơ, khát vọng về lẽ công bằng, khát vọng về hạnh phúc của con người. Để rồi chính niềm tin đó, khát vọng đó là hành trang theo suốt mỗi cuộc đời, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi chúng ta.

Cũng bằng chính niềm tin và ước mơ đó, cổ tích đã nâng đỡ chúng ta lên khỏi những vấp váp, bất trắc trong cuộc đời, chắp cánh trong ta lòng yêu đời, yêu cuộc sống:

Dẫu phải khi đắng cay dập vùi
          Rằng có cô Tấm cũng về làm hoa hậu
     Cây khế chua có đại bàng đến đậu
  Chim ăn rồi trả ngon ngọt cho ta

Niềm tin đó sẽ xoa dịu những nỗi buồn trong ta, sẽ ru vỗ, đưa nôi để ta có thêm niềm tin vào cuộc sống. Ai đã đọc Cây khế, Thạch Sanh, Sọ Dừa, Tấm Cám... chắc chắn sẽ đồng cảm với suy nghĩ, tâm sự đó của nhà thơ.

Tự bao đời nay, cổ tích vẫn là giấc mơ hư ảo của loài người về những gì họ khao khát mà chưa có được trong cuộc đời. Câu chuyện về con chim thần hay đến ăn khế trả vàng cũng chính là ước mơ về lẽ công bằng, về sự đủ đầy, giàu có trong cuộc sống. Con chim sống thẳng ăn một quả, trả cục vàng cho người em. Người em nghèo khổ nhưng tốt bụng đáng được che chở, đáp đền. Còn người anh tàn ác, tham lam đáng bị trừng trị. Lẽ công bằng đó, con người đã ước mơ từ rất lâu rồi.

Hơn hết thấy mọi câu chuyện, Tấm Cám là truyện cổ tích thể hiện một cách sâu sắc khát vọng hạnh phúc, khát vọng về lẽ công bằng của con người. Trong Tấm Cám, khát vọng hạnh phúc, khát vọng về lẽ công bằng được các tác giả dân gian tập trung thể hiện trong mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám, trong cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác.

Tấm là một cô gái xinh đẹp, ngoan hiền, chăm chỉ xứng đáng được sống cuộc sống sung sướng. Nhưng ngược lại, nàng luôn bị dì ghẻ và người em cùng cha khác mẹ ganh ghét, đày đọa. Sống với mẹ con Cám, Tấm chỉ như người lạ, suốt ngày phải làm lụng vất vả, bị tước đoạt mọi thứ, cả vật chất và tinh thần. Sống cuộc sống như thế, hơn ai hết, Tấm sẽ luôn mang trong mình khao khát được đối xử công bằng. Khát vọng của Tấm chỉ có Bụt thấu hiểu và chia sẻ.

Mỗi lần Tấm bị mẹ con Cám ức hiếp, Bụt lại hiện lên hỏi han động viên và giúp cô vượt qua tất cả. Sự xuất hiện của Bụt ở chặng đầu của câu chuyện vừa thể hiện niềm yêu thương, đồng cảm của nhân dân lao động trước số phận bất hạnh của Tấm, vừa là niềm mơ ước có thế lực phù trợ để hóa giải mọi nỗi đau khổ mà con người phải chịu đựng. Bụt đến mang lại công bằng cho Tấm và mang cả hạnh phúc đến cho nàng. Vượt qua bao đố kị, ghen ghét của hai mẹ con Cám, Tấm được làm hoàng hậu. Được làm hoàng hậu là ước mơ hạnh phúc của biết bao con người. Với Tấm, nó còn là phần thưởng công bằng, xứng đáng với nàng hơn ai hết.

Ở chặng sau của truyện, ta không thấy Bụt xuất hiện nữa Nhưng không phải vì thế mà ước mơ, khát vọng của con người về lẽ công bằng, về hạnh phúc không còn. Mẹ con Cám tha hồ hãm hại Tấm, bắt Tấm phải chết nhưng nàng không chấp nhận điều đó. Các chi tiết biến hóa kì ảo dồn dập xuất hiện trong truyện vừa thể hiện sức sống mãnh liệt, vừa thể hiện cao độ niềm khát khao hạnh phúc của Tấm. Nếu không tha thiết với cuộc đời này, không ao ước một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn mà mình chưa từng có, chắc chắn Tấm sẽ không hóa thành vàng anh, thành cây xoan đào, thành khung cửi, thành cây thị, quả thị. Mặc dù ở chặng này, Bụt không xuất hiện nhưng nếu không có những lần biến hóa thần kì đó, Tấm cũng sẽ không được trở lại làm người. Người bình dân đã mang vào truyện những yếu tố kì ảo để giúp nàng thực hiện ước mơ, khát vọng của mình.

Được trở lại làm hoàng hậu, Tấm đạt được ước mơ hạnh phúc nhưng ước mơ về lẽ công bằng nàng vẫn chưa thực hiện được. Để Tấm trừng trị mẹ con Cám, kết thúc mâu thuẫn đeo đẳng bấy lâu nay, các tác giả dân gian còn muốn trả lại sự công bằng cho nàng một cách trọn vẹn, tuyệt đối. Kẻ gieo gió như mẹ con Cám sẽ phải gặp báo, sẽ phải đền tội...

Truyện cổ tích ra đời trong xã hội đã phân chia giai cấp. Trong xã hội đó, những người mồ côi, những người em út, những đứa con chồng... những thân phận nhỏ bé luôn bị đối xử bất công. Đó là lí do khiến lúc nào họ cũng mang trong mình khao khát cuộc sống hạnh phúc. Chàng Thạch Sanh luôn ước mơ có một mái ấm gia đình, người em trong truyện Cây khế luôn ước mơ được sống cuộc sống no đủ, cô Tấm luôn ước mơ được sống yên ấm trong tình yêu thương... Không thể có lẽ công bằng, hạnh phúc trong cuộc đời thực, họ gửi những ước mơ ấy vào cổ tích, nhờ các thần linh giúp đỡ thực hiện trong cổ tích. Chính những ước mơ của họ đã đưa họ vượt lên bao gian khó, tủi cực trong cuộc đời để sống cuộc sống có ý nghĩa. .Để rồi, khi đọc những câu chuyện người xưa đã sáng tạo, mỗi chúng ta như được tiếp thêm niềm tin, nghị lực, sức mạnh để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Cổ tích đã ra đời và tồn tại hàng ngàn năm nay nhưng đến giờ nó vẫn còn nguyên giá trị là bởi những khát vọng mà nó luôn mang theo.

Các bài học liên quan
Đề số 4: Tấm lòng nhân đạo của dân gian thể hiện Qua Truyện An Dương vương và Mị Châu - Trọng Thủy.
Đề số 2: Màu sắc sử thi trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của đoạn trích Ra-ma buộc tội (Trích Ra-ma-ya-na - sử thi Ấn Độ).
Đề số 1: Vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ của người Hi Lạp thể hiện qua cảnh đoàn tụ gia đình của Uy-lít-xơ trong Uy-lít-xơ trở về (Trích Ô-đi-xê - sử thi Hi Lạp).
Giới thiệu một đặc sắc đậm đà hương vị đất nước

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 10 mới cập nhật