Đề số 6: Theo anh (chị), dân gian ta đã gửi gắm ước mơ gì qua sự trở về của nhân vật Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám?

Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Tấm là con vợ cả. Cám là con vợ lẽ. Mẹ Tấm chết từ hồi Tấm còn bé. Sau đó mấy năm thì cha Tâm cùng chết.

Bài làm

Thuở nhỏ, ai mà không lớn lên trong lời ru à ơi của bà, của mẹ? Ai không từng ước mình được biến thành chàng Thạch Sanh tài giỏi và tốt bụng, cứu giúp nàng công chúa trở về từ hang sâu, thành cô Tấm thảo hiền bước ra từ quả thị? Những mơ ước ngây thơ thời con trẻ ấy đến khi lớn lên vẫn mang lại cho ta một dư vị ngọt ngào đầy ám ảnh. Và từ đây, ta suy nghĩ một cách sâu sắc hơn về cuộc sống. Có điều này bởi truyện cổ tích là tiếng nói thể hiện ước mơ, khát vọng tốt đẹp của con người về tình yêu, về lẽ phải, về sự công bằng... Đó cũng chính là điều ta tìm thấy từ trong sự trở về của cô Tấm.

Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Tấm là con vợ cả. Cám là con vợ lẽ. Mẹ Tấm chết từ hồi Tấm còn bé. Sau đó mấy năm thì cha Tâm cùng chết. Tấm ở với dì ghẻ là mẹ của Cám. Dì ghẻ là người rất cay nghiệt. Hàng ngày, Tâm phải làm lụng vất vả, hết chăn trâu, gánh nước đến thái khoai, vớt bèo; đêm lại còn xay lúa mà không hết việc. Trong khi đó Cám thì được mẹ nuông chiều, được ăn trắng mặc trơn, suốt ngày quanh quẩn ở nhà, không phải làm việc nặng. Ngay từ đầu câu chuyện, tác giả dân gian đã cho chúng ta thấy được phẩm chất cũng như nỗi bất hạnh mà Tấm phải gánh chịu. Tấm khổ ngay từ khi còn bé, cha mẹ đều mất, bị mẹ ghẻ đối xử bất công, vậy mà nàng vẫn không một lời oán trách. Mẹ con Cám là những kẻ tham lam và độc ác. Cám đã từng lừa trút hết tôm cá trong giỏ của chị để về nhà nhận lấy chiếc yếm thắm. Ngày vua mở hội, trong khi mẹ con Cám xúng xính áo quần chuẩn bị đi dự hội thì bà mẹ ghẻ lại đổ một đấu thóc với một đấu gạo để bắt Tấm nhặt riêng cho kì sạch. Tấm nhờ sự giúp đỡ của Bụt và đàn chim sẻ mà làm xong việc lại có quần áo đẹp để đi trảy hội. Hạnh phúc đã mỉm cười với Tấm khi nhà vua bắt được đôi hài của nàng đánh rơi xuống chỗ lội và đưa nàng về làm vợ. Nhưng đó cũng là lúc mâu thuẫn gay gắt thực sự nảy sinh khi những kẻ xấu xa vì ghen ghét đố kị mà tìm cách hãm hại. Tấm đã phải trải qua một quá trình hóa thân vất vả cuối cùng mới có thể trở về sống cuộc sống mà mình xứng đáng được hưởng. Quá trình hóa thân và sự trở về này đã thể hiện một cách tập trung nhất ước mơ và khát vọng của dân gian.

Ở lần hóa thân thứ nhất, Tấm bị mẹ ghẻ lừa trèo cau hái quả rồi ở dưới chặt gốc, ngã lộn cổ xuống ao, chết hóa thành chim vàng anh. Chim vàng anh bay vào vườn ngự gặp Cám lúc này được đưa vào cung thay Tấm đang giặt quần áo mà rằng: Phơi áo chồng tao, phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao. Tấm chết đi nhưng lại hóa thân vào chim vàng anh đẹp đẽ, vẫn được vua yêu quý đến quên ăn quên ngủ, suốt ngày mê mải cùng. Cám nghe lời mẹ, bắt trộm chim ăn thịt, lông chim vứt ngoài vườn mọc thành hai cây xoan đào râm mát như cái lọng che chở nhà vua. Rồi Tấm nhập thân vào khung cửi, hóa thân thành quả thị thơm ngon. Từ quả thị ấy lại bước ra một cô Tấm thảo hiền, còn xinh đẹp hơn trước rất nhiều.

Như vậy, Tấm đã phải trải qua bốn lần hóa thân mới có thể trở về cuộc sống hạnh phúc của mình. Lần hóa thân nào của Tấm cũng gắn với những thứ thật đẹp và bình dị. Sau mỗi lần, Tấm đều trở nên đẹp hơn trước. Sự hóa thân ấy thể hiện niềm tin của nhân dân về sức sống mãnh liệt của Tấm. Đó cũng chính là niềm tin vào sức mạnh của chính nghĩa. Tấm trở về vì nàng tiềm tàng một sức sống và niềm khát khao sống mãnh liệt và còn bởi ước mơ về lẽ công bằng của cha ông ta xưa. Cô Tấm hiền lành và tốt bụng, nàng xứng đáng được hưởng một kết thúc có hậu. Mẹ con Cám bị trừng trị thích đáng cũng giống như Lý Thông bị sét đánh biến thành con bọ hung. Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo, khát vọng ấy không chỉ của người xưa mà còn là của mọi thời.

Niềm tin và khát vọng còn thể hiện ở sự xuất hiện của các thế lực siêu nhiên, giúp đỡ Tấm, khiến cho nàng đòi lại được lẽ công bằng, tìm được và trở về đúng với thân phận của mình. Cuộc chiến đấu giữa cái thiện và cái ác sẽ luôn diễn ra ác liệt khó khăn như Tấm phải trải qua biết bao lần bị hãm hại mới được trở lại làm người nhưng cuối cùng, cái thiện cũng sẽ luôn giành phần thắng. Đó là niềm tin, là ước mơ, và cũng là chân lý của muôn đời.

Trải qua nhiều lần hóa thân, nhập thân, lần cuối cùng, Tấm ẩn mình trong quả thị và từ quả thị bước ra trở về làm người. Đây là sự trở về cuối cùng thể hiện quan niệm cổ xưa thuộc về tâm linh tin rằng người có thể trở thành vật và vật trở lại làm người cũng giống như truyện Sọ Dừa, Lấy vợ cóc, Người lấy ếch... Cô Tấm từ quả thị bước ra là một chi tiết mang tính thẩm mĩ. Nàng trở về trong vẻ đẹp giản dị, nhưng cũng khiến cho bao người phải say mê và bao kẻ phải ghen tị. Dù trải qua biết bao mưa dập gió vùi, những cái đẹp thực sự cũng sẽ mãi tồn tại và được khẳng định.

Những ước mơ chân chính sẽ luôn là đôi cánh nâng con người đến với những cái đẹp hoàn mĩ và thánh thiện. Đó cũng chính là những gì ta tìm được từ trong Tấm Cám...

Các bài học liên quan
Đề số 2: Màu sắc sử thi trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của đoạn trích Ra-ma buộc tội (Trích Ra-ma-ya-na - sử thi Ấn Độ).
Đề số 1: Vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ của người Hi Lạp thể hiện qua cảnh đoàn tụ gia đình của Uy-lít-xơ trong Uy-lít-xơ trở về (Trích Ô-đi-xê - sử thi Hi Lạp).
Giới thiệu một đặc sắc đậm đà hương vị đất nước
Dựa vào một số tác phẩm văn học từ năm 1930 đến nay, anh (chị) hãy chứng minh rằng văn học đã theo sát cuộc đấu tranh của dân tộc ta, phản ánh được những ước mơ và nguyện vọng tha thiết của nhân dân ta.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 10 mới cập nhật