Viết bài tập làm văn số 3 - Văn biểu cảm trang 145 SGK Ngữ văn 7

Đề bài: Cảm nghĩ về người thân (ông, bà, cha, mẹ, chị, bạn, thầy cô giáo).

Đề bài: Cảm nghĩ về người thân (ông, bà, cha, mẹ, chị, bạn, thầy cô giáo).

BÀI ĐỌC THAM KHẢO 

BỐ TÔI

Những ngón chân của bố khum khum, lúc nào cũng như bám vào đất để khỏi trơn ngã. Người ta nói: “đấy là bàn chân vất vả”. Gan bàn chân bao giờ cũng xám xịt và lỗ rỗ, bao giờ cũng khuyết một miếng, không đầy đặn như gan bàn chân người khác. Mu bàn chân mốc trắng, bong da từng bãi, lại có nốt lấm tấm. Đêm nào bố cũng ngâm nước nóng hòa muối, gãi lấy gãi để rồi xỏ vào đôi guốc mộc. Khi ngủ bố rên, rên vì đau mình nhưng cũng rên vì nhức chân. Rượu tê thấp không tài nào xoa bóp khỏi.

Bố đi chân đất, bố đi ngang dọc đông tây đâu đâu con không hiểu. Con chỉ thấy ngày nào bố cũng ngâm chân xuống nước, xuống bùn để câu quăng. Bố tất bật đi từ khi sương còn đẫm ngọn cây cỏ. Khi bố về cũng là lúc cây cỏ đẫm sương đêm. Cái thúng câu bao lần chà đi xát lại bằng sắn thuyền. Cái ống câu nhẵn mòn, cái cần câu bóng dấu tay cầm. Con chỉ biết cái hòm đồ nghề cắt tóc xực mùi dầu máy tra tông-đơ, cái ghế xếp bao lần thay vải, nó theo bố đi xa lắm.

Bố ơi, bố chữa làm sao được lành lặn đôi bàn chân ấy: Đôi bàn chân dầm sương dãi nắng đã thành bệnh.

Bố bảo: Bàn chân con phải giữ gìn để mà đi cho thật khỏe, thật xa!

MẸ TÔI

Đôi vai của mẹ thành chai từ bao giờ tôi không biêt.

Trên đôi vai ấy ai để chiếc bánh dầy vào. Bánh giầy màu nâu sẫm, có lúc nứt ra. Cái năm mẹ leo lên núi đánh “đá răm” xuống thuyền cho người ta chở lên tỉnh, ấy là cái năm vai mẹ nứt to nhất mất một lần da, rớm máu, dính cả vào đòn gánh. Con hỏi mẹ, mẹ bảo: “Không đau, nó ê ra rồi”. Mẹ cởi trần, mặc yếm mà gánh. Lưng mẹ hoàn toàn là một bãi xém nồi. Mẹ gánh củi đi bán. Mẹ gánh thóc từ đâu về, suốt đêm xay giã để bán, để lấy tấm mà ăn, lấy cám nuôi lợn. Tháng nào mẹ cũng gánh gạo đi một ngày đường ròng rã đến nơi con trọ học.

Đôi vai ấy, con tin rằng suốt đời mẹ không bao giờ trở lại lành lặn như đôi vai người thường đâu mẹ ạ.

Nhưng chính đôi vai xương xẩu, bé nhỏ mỏng manh ấy lại gánh được bao nhiêu thứ mà người thường không thể gánh nổi.

ANH TÔI

Bàn chân anh không giôốg bàn chân bố, mà lại y hệt bàn chân mẹ. Nó xòe ra từng ngón. Cứ nhìn dấu chân ở ngõ, ở bãi sắn, tôi đoán được là chân anh. Bàn chân anh rất mỏng, năm cái xương của năm ngón nổi hằn lên mu. Mùa hanh, bàn chân anh nứt chằng chịt, rớm máu, anh vẫn phớt lờ. Khi nào đau lắm anh mới chịu chát gio vào, để khô, ra ao lấy rơm vò nát rồi kì. Vết nẻ liền vào được nửa ngày. Anh chạy như bay, hết đánh giậm lại bắt cá. Hết gánh đá lại gánh củi. Hết leo núi lại lội đồng. Anh đá chó dữ bằng đôi bàn chân ấy. Chó chạy bạt vía.

Một chiều, anh pha tre non để chẻ lạt, nhỡ tay, con dao bập một nhát chéo qua bàn chân phải, máu chảy đầm đìa. Anh phớt tỉnh đi vào nhà dít thuốc lào, mạng nhện, rồi xé vải đụp để băng. Dấu bàn chân đỏ lòm từ sân vào nhà.

Từ đấy, bàn chân anh có vết dao chéo dẫm lên các nẻo đường. Anh đi đánh giặc. Chân đất mà coi thường cả chông, coi khinh cả gai.

EM TÔI

Nó sang ở nhà bà ngoại. Nó về chơi. Mới đến cổng là nó đã hát. Mỗi lần nó hát một bài mới. Lúc thì sa mạc, lúc thì trống quân, lúc thì cò lả, lúc thì hát ví nhưng nhiều nhất là giọng quan họ. Nó khoe mợ Nam dạy hát, dì Thường dạy hát. Miệng nó hát, tay nó ôm mấy cuộn lá dứa. Lá dứa về chiều bao giờ cũng ngọt lừ. Anh em tôi quây quần tước lấy lõi ăn “tiệc”, Lúc nó đi, tôi nhớ, cầm cái tay mũm mĩm bé bỏng ấy tôi cắn khẽ. Cổ tay nó thơm thơm.

Một hôm, nó đùng đùng bỏ nhà bà ngoại về. Nó mặc quần cộc rách. Tay nó không thơm nữa. Suốt ngày lấm láp, trơ những xương là xương. Thế mà nó cứ hát cả ngày. Nó tha thẩn khi thì gôc đu đủ, khi thì gốc vối già, khi thì gốc mít. Nó hát hay lắm: “Con cò là con cò kì. Ăn cơm nhà dì uống nước nhà cô”.

Nó toàn chơi một mình. Tôi ngủ, nó vẫn hát nỉ non ở sân, ở góc vườn.

“Mẹ ơi đừng đánh con đau

Con đi bắt ốc, kiếm rau mẹ thì...”

Rồi một hôm nó đi đâu, đến cuối buổi nó lê về, bàn chân đầy máu. Nó lăn ra góc sân. Một mảnh sành cứa toác ngang bàn chân, rỏ cua được dăm con. Nó không khóc. Vừa được buộc chân xong, máu vẫn chảy ri rỉ, Nó lại hát...

* * *

Có gì đâu? - Miếng bánh đa của nó đã bẻ, tôi lại bẻ trộm của nó một nửa...

Có gì đâu? - Chén ngô rang, anh Thả lấy của nó vài hột. Có gì đâu? - Bát cơm, anh Thả đơm cho nó nhiều sắn quá...

Mỗi lần thế, nó lăn đành đạch ra đất. Nó khóc rất lâu, không ai dỗ được, cả xóm đều nghe thấy, khóc như xé vải, khóc đứt ruột. Nó luôn luôn bị bệnh ho gà. Càng khóc nó càng bị ho. Có lúc cơn ho làm lặng đi rất lâu. Nó lăn cạnh mâm cơm, mèo chó dạt đi. Bố hiền thế mà bố phải rút cái roi. Bố đánh. Bố giận quá bố đánh đau lắm. Khi lưng anh ta, mông anh ta đầy những vết lằn ngang, lằn dọc anh ta mới chịu ngồi dậy. Nó rất dạn đòn. Nó nín vì quá mệt rồi. Tôi và cơm cho nó. Nó vừa ăn vừa nấc. Nước mắt rỏ ròng ròng. Bát cơm chan nước mắt. Nước mũi, nước dãi cũng thi nhau rỏ vào cơm. Nó cứ ăn, cứ nấc.

- Ăn xong, nó cứ trần truồng đi xiêu vẹo ra cổng. Chơi chán, nó lại lảo đảo về. Biết nó hay hờn dỗi mà cả nhà khó tránh quá!

Tôi cứ nghĩ bụng: đến bao giờ thì em hết ức, hết hờn?

(Duy Khán - Trích trong “Tuổi thơ im lặng”)

THẦY TÔI

Năm đó tôi rời khỏi làng quê ra thành phố Hội An để tiếp tục việc học.

Ở lứa tuổi mười bốn, trình độ văn hóa lớp chín, nhờ sự giới thiệu của một người bạn học, tôi được vào “dạy kèm” cho một gia đình giàu có. Hằng ngày ngoài việc dạy kèm cho bốn cô cậu ấm học từ lớp một cho đến lớp bảy, tôi còn phải vác gạo, khiêng muối, ghi hóa đơn, tính sổ.

Những lúc quá nhớ nhà, quá tủi thân, tôi lại tìm đến căn phòng trọ của thầy tôi. Ở đấy, tôi có thể ngồi hàng giờ bên thầy, có thể tìm đọc những sách báo tôi rất mê mà không có tiền để mua. Chỉ những lúc đó, tôi mới tìm lại được một chút không khí gia đình, một chút tình thương, một chút an ủi mà tôi sớm bị đánh mất.

Tôi còn nhớ có một buổi chiều se lạnh, sau khi đã mệt mỏi với những trang sách vô tư, thầy trò tôi bèn rủ nhau đi dạo phô. Không khí tưng bừng của phố xá những ngày cuối năm chuẩn bị đón Noel làm cho thầy trò tôi cảm thấy cô đơn thêm, vì thế thầy bẽn dẫn tôi vào Khổng miếu để chơi.

Sau khi ngồi dưới chân tượng Khổng Tử, hai thầy trò tôi đều yên lặng theo đuổi những ý nghĩ riêng tư. Bỗng thầy tôi đưa tay vào túi áo rút tờ giấy bạc hai trăm đồng còn mới nguyên, chưa có nếp gấp, nhẹ nhàng bỏ vào túi áo của tôi. Tôi ngước lên nhìn thầy định từ chối vì biết rằng thầy cũng rất nghèo. Tôi thấy thầy đưa tay chận nắp túi áo tôi như thầm bảo: “Hãy đừng nói gì cả”. Trên môi thầy nở nụ cười hiền lành với một chiếc răng khểnh rất dễ thương. Còn tôi không sao ngăn được hai giọt nước mắt cứ lăn dài xuống má.

Cuộc đời trớ trêu dẫn tôi vào trường sư phạm để rồi trở thành một thầy giáo. Mỗi lần trời trở rét, mỗi lần lĩnh lương có tờ giấy bạc còn mới tôi lại nhớ đến thầy, nhớ  nụ cười thật hiền với chiếc răng khểnh dễ thương của thầy tôi vào một buổi chiều xa lắc xa lơ trong, quá khứ mù sương của tôi.

(Theo Lê Thế)

Các bài học liên quan
Soạn bài Tiếng gà trưa
Soạn bài: Tiếng gà trưa trang 148 SGK Ngữ văn 7
Cảm nhận khi đọc bài Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh?
Soạn bài: Điệp ngữ trang 152 SGK Ngữ văn 7

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 7 mới cập nhật