Bài số 171: Thuyết minh về một thể loại văn học (Trường ca)
Những bản trường ca vĩ đại trên thế giới đều đánh dấu những giai đoạn lớn, những bước ngoặt của lịch sử. Trường ca I-li-át hơn một vạn rưỡi câu, trường ca Ô-đi-xê hơn một vạn câu của Hô-me-rơ phản ánh thời cổ đại anh hùng của Hy Lạp.
- Bài học cùng chủ đề:
- Đề số 76: Trong bài Tiếng nói của văn nghệ, Nguyễn Đình Thi có viết: Một bài thơ hay không bao giờ ta đọc qua một lần mà bỏ xuống được. Ta sẽ dừng tay trên trang giấy đáng lẽ lật đi, và đọc lại bài thơ.
- Đề số 75: Nhận xét về hình thức nghệ thuật của một tác phẩm văn học, có ý kiến: Hình thức hay là hình thức sáng tạo, sinh động, phù hợp nhất với nội dung, có sức biểu hiện nội dung hùng hồn nhất....
- Đề số 60: Đại thi hào Nguyễn Du đã từng tâm sự: Thôn ca sơ học tang ma ngữ (Học được tiếng nói của người trồng dâu, trồng gai). Hãy minh họa bằng các đoạn trích đã học trong Truyện Kiều.
- Ngữ pháp tiếng anh hay nhất
Bài làm
Những bản trường ca vĩ đại trên thế giới đều đánh dấu những giai đoạn lớn, những bước ngoặt của lịch sử. Trường ca I-li-át hơn một vạn rưỡi câu, trường ca Ô-đi-xê hơn một vạn câu của Hô-me-rơ phản ánh thời cổ đại anh hùng của Hy Lạp. Trường ca Riêm-kê của Cam-pu-chia dài hơn một vạn câu đánh giá thời đại rực rỡ nhất của dân tộc Cam-pu-chia. Bộ sử thi của Ấn Độ cũng dài như một bộ kinh tôn giáo... Đó là những bản trường ca bất hủ thuộc về của cải chung của nhân loại.
Trường ca Đăm Săn, Xinh Nhã của Tây Nguyên cũng thuộc vào loại có cỡ trên thế giới.
Trong những năm dài khi dân tộc ta còn bị nô lệ, trường ca hầu như bị phai mờ trong các thể loại văn học. Thỉnh thoảng người ta nhắc đến trường ca như một cái tên chung tượng trưng cho các quyển sách hay, những tập thơ hay. Trường ca trong nhiều năm không được ai nhắc đến. Năm 1932, cuộc tranh luận về thơ mới thơ cũ nổ ra trên văn đàn một cách sôi nổi, người ta phân rạch ròi ra các khuynh hướng thi ca nhưng cũng chẳng ai nói đến trường ca, may ra có nhắc đến bài Tiếng địch sông Ô của nhà thơ trẻ lúc bấy giờ là Phạm Huy Thông xem đó như một anh hùng ca nhưng cũng diễn giải bằng tích của Tàu.
Trường ca bị quên lãng và bị gán ghép vào những bài thơ dài, thơ truyện và bị đánh mất chân dung của mình. Năm tháng trôi qua, trường ca có lúc thấp thoáng trong những áng văn thơ của một vài tác giả rồi chìm nghỉm như một người con gái hết nhan sắc không được ai nhắc đến.
Cuộc chiến đấu cực kỳ gian khổ đầy hi sinh của dân tộc ta trong ba mươi năm năm qua đã nảy sinh bao nhiêu bản trường ca. Bản thân những bản trường ca đó lấy ra từ trong máu lửa tro than, từ những cuộc hành quân suốt từ Đắc chí Nam, làm mòn cả đá của những đỉnh Trường Sơn, từ khát vọng cháy bỏng: Không có gì quý hơn độc lập, tự do!
Nhất định phải có những bản trường ca hùng tráng tương xứng để ca ngợi cuộc chiến đấu đầy khí phách anh hùng, ca ngợi công cuộc lao động đầy sáng tạo và không biết mệt mỏi của nhân dân ta. Tất nhiên các thể loại văn học khác cũng có nhiệm vụ đó, nhưng trường ca với đặc trưng của nó có nhiều khả năng trong việc này. Và như không hẹn mà gặp, trường ca đã có mặt những nơi đầu sóng ngọn gió. Đội quân tinh nhuệ này ra đời thật đúng lúc, nó sẽ trở thành đội ngũ hùng hậu tự khẳng định mình, tự mình cắt nghĩa mình, định hình trong đời sống văn học ba mươi lăm năm tuy chưa dài nhưng trường ca cổ thể làm một cuộc duyệt binh nho nhỏ trước quãng trường văn học Việt Nam: Lửa sáng rừng của Thái Giang, Bài ca Hắc Hải của Nguyễn Đình Thi, Bài ca chim chơ rao, Ba-dan khát và Cam-pu-chia hy vọng của Thu Bồn, Những người đi tới biển của Thanh Thảo, Kể chuyện ăn cơm giữa sân của Nguyễn Khắc Phục, Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh... Trường ca có khả năng đặc biệt đi vào hiện thực.
Trong thơ trữ tình, khuynh hướng hiện thực cũng được phản ánh, những tính lãng mạn hầu như bao trùm và có những lúc bị quằn lại trước những hiện thực dữ dội. Thơ trữ tình thường né tránh những đề tài quá phức tạp trong đời sống và nếu có thể hiện thì phần nhiều sử dụng phương pháp lãng mạn. Trường ca có thể xông vào hiện thực cuộc sống với tất cả sức mạnh của nó, giống như một người công binh đào hầm lại có đủ cả xẻng cuốc, khoan máy, thuốc nổ... Trường ca dám xông vào những chỗ hắc búa, những vỉa đá ngầm của cuộc sống. Tuy vậy, trường ca chứ không phải tiểu thuyết, trong khuôn khổ đặc trưng của nó, cũng phải kiêng nể một đôi chỗ...
Trường ca có đủ khả năng hiện thực và trữ tình nên sức công phá và độ bền của nó rất lớn. Do sự yêu cầu nghiêm ngặt về bố cục, tính tư tưởng và sự đa dạng của nó nên trường ca là một kiến trúc hoàn hảo có một sức mạnh nương tựa vào nhau làm tôn thêm vẻ đẹp và sức mạnh cho nhau. Những ngôn ngữ và hình ảnh khi bước vào ngưỡng cửa của trường ca thực sự được chuyển hóa và nâng mình lên một bước, tự bản thân chúng tạo nên cho chúng những vẻ riêng rất là trường ca. Trường ca đã hình thành một bộ môn văn học, lừng lững đi vào đời sống, khác với những ngày tên gọi của nó chỉ thấp thoáng một cái bóng mơ hồ không có bộ mặt và hình dáng.
Trường ca là một thể loại thơ dài nhằm thể hiện một chủ đề tư tưởng thông qua hình tượng thơ ca, sử dụng ngôn ngữ, ngôn ngữ, âm điệu, bố cục... một cách điêu luyện và tinh xảo nhất của toàn bộ nghệ thuật thơ ca. Nó động viên nhiều phương pháp, vốn sống, xúc cảm, lao động trí tuệ nhằm ca ngợi con người, tình yêu, chiến đấu, lao động sáng tạo và thiên nhiên...
Do tính chất của nó như vậy, cho nên hình thức của nó rất phong phú và đa dạng. Phong phú đến nỗi ta lười nhác không muốn định nghĩa nó là cái gì nữa. Đã thế, nó lại đang phát triển nhanh chóng.
Hiện nay trường ca giống như cô gái đẹp, tùy theo sự chiêm ngưỡng của người này người khác mà trang điểm thêm cho nó những phần mà mình ưa thích. Tuy nhiên, nó cũng có những quy luật khắt khe của nó. Ngay hiện nay có những bài diễn ca đã được ghi tại bên cạnh chữ to tướng là trường ca nhưng quần chúng không công nhận đó là trường ca, dù bài diễn ca đó hay và tác dụng đến mấy đi nữa. Đừng nên vì cái hay của thể loại này lại chuyển thể nó qua một thể loại khác.
Trường ca khác hẳn với thơ truyện và diễn ca. Có thể ví tạm trường ca là một tòa lâu đài, thơ truyện là một tòa nhà, diễn ca là một dãy trại lán. Do yêu cầu nghiêm túc của thiết kế mà đề ra hình thức này chứ tuyệt đối không phải trọng cái nào, khinh cái nào, vì cái nào sinh ra cũng do yêu cầu của nó.
Gỗ, đá, gạch có thể làm nhà, làm lâu đài, cũng như ngôn ngữ có thể làm diễn ca, làm thơ truyện, làm trường ca. Nhưng gỗ làm tòa lâu đài cũng khác gỗ làm lán trại; cũng như ngôn ngữ trường ca khác ngôn ngữ diễn ca. Sự khác nhau đó là do tính tất yếu của nội dung công trình khắt khe đòi hỏi chứ không phải ý muốn một ai. Vì vậy, khi những ngôn ngữ nhân vật bố cục bước vào công trình của trường ca chúng phải kiểm nghiệm mình và nâng mình lên một bước để xứng đáng phù hợp với công trình mà nó đảm nhiệm. Trường ca là một tòa lâu đài của thơ ca, là một kiến trúc tổng hợp của thơ ca.
Cũng như các bộ môn văn học khác, trong thơ, nhà thơ phải có thường trực ba con người: một kiến trúc sư thiết kế ra công trình, một người thợ lành nghề để thể hiện công trình đó, một người lao động tận tụy khai thác nguyên vật liệu dồi dào trong đời sống. Có khi nhà kiến trúc sư đi trước, có khi người lao động đi trước, do những nguyên vật liệu đã có đó kêu gọi công trình. Nói chung nguyên vật liệu, vốn sống trong văn học là một thứ nguyên vật liệu đặc biệt. Nó có thể nhao nhao lên đòi kết hợp để biến thành những công trình, nhưng cũng có thể tự nó biến mất đi hoặc nằm ngổn ngang ra đó biến thành những chướng ngại vật, cản trở và có khi vùi lấp nhà thơ. Tất cả cái đó đều do cuộc sống và trình độ của nhà thơ quyết định.
Trong nghệ thuật đều có những bước giống nhau nhưng trong thể loại trường ca cũng có những cái riêng của nó, tin chắc rằng sắp đến mọi người sẽ cùng nhau tìm ra những đặc trưng riêng biệt của nó. Có thể ví thêm mỗi bài thơ như một trận đánh, trường ca lại là một chiến dịch. Nó có đầy đủ những tính chất của các trận đánh, chính vì thế nó khác hẳn một trận đánh, nó có những yêu cầu cao hơn một trận đánh.
- Một số tác giả, tác phẩm văn học tham khảo
- Tuần 1 sgk ngữ văn 10
- Tuần 2 sgk ngữ văn 10
- Tuần 3 sgk ngữ văn 10
- Tuần 4 sgk ngữ văn 10
- Tuần 5 sgk ngữ văn 10
- Tuần 6 sgk ngữ văn 10
- Tuần 7 sgk ngữ văn 10
- Tuần 8 sgk ngữ văn 10
- Tuần 9 sgk ngữ văn 10
- Tuần 10 sgk ngữ văn 10
- Tuần 11 sgk ngữ văn 10
- Tuần 12 sgk ngữ văn 10
- Tuần 13 sgk ngữ văn 10
- Tuần 14 sgk ngữ văn 10
- Tuần 15 sgk ngữ văn 10
- Tuần 16 sgk ngữ văn 10
- Tuần 17 sgk ngữ văn 10
- Tuần 18 sgk ngữ văn 10
- Tuần 19 sgk ngữ văn 10
- Tuần 20 sgk ngữ văn 10
- Tuần 21 sgk ngữ văn 10
- Tuần 22 sgk ngữ văn 10
- Tuần 23 sgk ngữ văn 10
- Tuần 24 sgk ngữ văn 10
- Tuần 25 sgk ngữ văn 10
- Tuần 26 sgk ngữ văn 10
- Tuần 27 sgk ngữ văn 10
- Tuần 28 sgk ngữ văn 10
- Tuần 29 sgk ngữ văn 10
- Tuần 30 sgk ngữ văn 10
- Tuần 31 sgk ngữ văn 10
- Tuần 32 sgk ngữ văn 10
- Tuần 33 sgk ngữ văn 10
- Tuần 34 sgk ngữ văn 10
- Tuần 35 sgk ngữ văn 10