Nhân dân ta thường truyền tụng với nhau câu tục ngữ đúc kết kinh nghiệm trong công việc như sau: Trăm hay không bằng tay quen. Em hãy giải thích câu tục ngữ và rút ra mối quan hệ lý tưởng giữa lý thuyết và thực hành

Một lần nữa, chúng ta xác nhận mối quan hệ giữa lý thuyết và thực hành là mối quan hệ tương hỗ. Chúng cần có nhau và cần cho người làm việc để đưa công việc đến đích thành công.

       Bắt đầu biết đọc, biết viết, chúng ta đã được làm quen với tục ngữ. Tục ngữ là những bài học quý giá mà cha ông ta để lại cho con cháu đời sau về kinh nghiệm muôn mặt của đời sống. Tuy ngắn gọn, nhưng tục ngữ chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc. Một trong những kinh nghiệm mà chúng ta cần tìm hiểu đó là kinh nghiệm về việc học và làm. Câu tục ngữ “Trăm hay không bằng tay quen" cho chúng ta nhiều suy nghĩ về mối quan hệ giữa lý thuyết và thực hành, mối quan hệ mà mọi người ai cũng quan tâm.

        Tách câu tục ngữ thành hai vế, ta đi vào tìm hiểu các khái niệm. “Trăm hay” là lượng kiến thức phong phú, là toàn bộ những lý thuyết chúng ta học được từ sách vở, từ những năm tháng dưới mái trường, từ những điều thầy cô giảng giải. “Hay” ở đây là hiểu biết, là nhận thức các nguyên lí của công việc. Bên cạnh đó, “tay quen” lại là khả năng đúc rút các kinh nghiệm từ thực hành để người làm việc có thể tiến hành công việc của mình được tốt.

      Từ hai khái niệm trên, cả câu tục ngữ đưa ra kết luận: thực hành cần được xem là quan trọng hơn lý thuyết, hiểu biết lý thuyết không bằng khả năng thực hành.

      Ở đây chúng ta cần tìm hiểu để đánh giá cho thỏa đáng ý nghĩa của bài học mà cha ông ta đã để lại. Trước hết, ta xác nhận khía canh đúng của câu: “Trăm hay không bằng tay quen”.

     Hai mặt để tiến hành một công việc là lý thuyết và thực hành. Thế nhưng, nếu chỉ học lý thuyết thật giỏi, mà không thực hành thì lý thuyết ấy trở thành mớ lý thuyết suông. Người có lý thuyết như vậy khi bước vào làm việc sẽ gặp phải những khó khăn, những “sự cố'’ từ thực tế mà lý thuyết không thể đề cập hết được. Lúc bấy giờ, việc tiến hành công việc sẽ gặp nhiều lúng túng, sai phạm. Mặt khác, có những người tuy không có điều kiện để học tập nhiều, nhưng do sớm bắt tay vào công việc, từ những thành công và thất bại của chính mình mà họ “trưởng thành” hơn. Thực hành nhiều, người làm việc sẽ tự rút ra được cho mình những kinh nghiệm để xử lý công việc được tốt.

      Hãy nhìn vào hai người cùng làm việc, chúng ta sẽ thấy được điều đó. Nếu như một kỹ sư mới ra trường, trong quá trình ở giảng đường đại học, người sinh viên ấy không một lần làm thực hành hoặc xem nhẹ các giờ thực hành, thì đến khi bắt tay vào công việc, anh sẽ lúng túng hơn một công nhân lành nghề đã làm việc nhiều năm. Điều đó là do mớ lý thuyết suông không giúp gì được cho người kỹ sư trẻ, còn kinh nghiệm làm việc lại giúp cho người công nhân lành nghề có thể thành công.

      Tuy nhiên, đó là nhìn nhận ở một khía cạnh, mặt khác, chúng ta vẫn biết rằng câu tục ngữ còn có chỗ chưa thỏa đáng. Cái chưa thỏa đáng ở đây là cha ông ta có phần cực đoan, quá đề cao thực hành mà xem nhẹ lý thuyết. Thực tế thì có lý thuyết mới có thực hành, lý thuyết đúng thì thực hành mới chính xác. Rõ ràng, khi chúng ta đã nắm vững lý thuyết, chúng ta sẽ bước vào thực hành tự tin và nhanh chóng hơn. Có lý thuyết, người làm việc sẽ đô phải mất thời gian “mò mẫm”, tìm tòi, công việc sẽ có hiệu quả cao hơn. Người kỹ sư trẻ trong quá trình học tập đã có thực hành kèm với học lý thuyết thì sẽ xử lý công việc nhanh hơn một công nhân học nghề. Bởi lẽ, người công nhân ấy sẽ tìm tòi các cách làm, qua nhiều thành công hay thất bại mới làm tốt được công việc; mà như vậy, công việc sẽ chậm chạp biết chừng nào!

       Sau khi đã tìm hiểu và đánh giá các khía cạnh đúng và sai của bài học nêu trên, chúng ta đã có thể rút ra được mối quan hệ giữa thực hành và lý thuyết. Hai mặt của một công việc có sự tác động qua lại lẫn nhau. Trước hết, lý thuyết là cơ sở, là nền móng để việc thực hành đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, thực hành lại là quá trình trải nghiệm, đúc kết kinh nghiệm để bổ sung cho lý thuyết thêm hoàn chỉnh, để đưa lý thuyết đến sát với thực tế công việc hơn.

       Một lần nữa, chúng ta xác nhận mối quan hệ giữa lý thuyết và thực hành là mối quan hệ tương hỗ. Chúng cần có nhau và cần cho người làm việc để đưa công việc đến đích thành công. Là học sinh, chúng ta thấm thía ý tứ của bài học mà cha ông ta để lại. Vậy nên, trong học tập, chúng ta cần kết hợp tốt giữa việc làm bài tập với việc học lý thuyết, tránh học suông, học vẹt. Hơn nữa, muốn trở thành người công dân tốt, người làm việc tốt trong tương lai, ngay từ bây giờ, chúng ta cần phải ra sức học tập đê nắm vững, các kiến thức cơ bản, để mai sau có thể vận dụng tốt vào công việc của mình. Chúng ta trưởng thành đúng hướng sẽ góp phần cho đất nước ngày mai tươi dẹp hơn, giàu mạnh hơn.

dayhoctot.com

 

Các bài học liên quan
Bài 1: Trong “Phép màu nhiệm của đời” (NXB. Trẻ - 2005) có câu chuyện rằng: “Người hàng xóm của cậu bé 4 tuổi vừa mất vợ. Nhìn thấy ông khóc, cậu bé lại gần và leo lên ngồi vào lòng ông. Cậu ngồi rất lâu và chỉ ngồi như thế. Khi mẹ em hỏi em đã trò c
Hãy viết bài văn về lòng dũng cảm
Hãy bình luận câu tục ngữ: Trăm hay không bằng tay quen
Nghị luận Hút thuốc lá có hại
Quan niệm của anh (chị) về tiền tài và hạnh phúc

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 10 mới cập nhật