Đọc hiểu Trao duyên
- Gợi dẫn 1. Nguyễn Du (1765 – 1820) người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, là một đại thi hào văn học Việt Nam. Cùng với Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, ông là một trong ba tác gia lớn của văn học trung đại được đưa vào chương trình Ngữ văn Trung học phổ thông.
- Bài học cùng chủ đề:
- Phân tích đoạn trích Trao duyên - bài 1
- Ngữ pháp tiếng anh hay nhất
I - Gợi dẫn
1. Nguyễn Du (1765 – 1820) người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, là một đại thi hào văn học Việt Nam. Cùng với Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, ông là một trong ba tác gia lớn của văn học trung đại được đưa vào chương trình Ngữ văn Trung học phổ thông.
Sinh ra trong một gia đình đại quý tộc phong kiến nhưng sống vào thời kì rối ren nhất của lịch sử phong kiến Việt Nam nên tài năng văn học nghệ thuật của Nguyễn Du có điều kiện phát triển. Trước tác đồ sộ của ông là kết quả của một nền học vấn gia đình uyên thâm và những kinh nghiệm sống phong phú. Tác phẩm thành công nhất của Nguyễn Du và nổi tiếng của văn học Việt Nam là truyện Nôm Đoạn trường tân thanh, thường được gọi là Truyện Kiều.
2. Truyện Kiều được Nguyễn Du viết dựa trên cốt truyện Kim Vân Kiều truyện, một tác phẩm viết bằng văn xuôi của nhà văn Trung Quốc Thanh Tâm Tài Nhân. Bằng thể thơ lục bát dân tộc và chữ Nôm với những thành ngữ, lời ăn tiếng nói của nhân dân, bằng tấm lòng nhân đạo cao cả, Nguyễn Du đã sáng tạo nên một kiệt tác văn học cho dân tộc và nhân loại.
3. Trao duyên là đoạn trích thuộc phần đầu tác phẩm, thời điểm bắt đầu cuộc đời lưu lạc đầy bất trắc của nhân vật chính Vương Thuý Kiều. Đoạn trích từ câu 723 đến câu 756. Sau đêm Kiều và Kim trọng thề nguyền, Kim Trọng phải về Liêu Dương hộ tang chú. Gia đình Kiều bị thằng bán tơ vu oan. Vương ông và Vương Quan bị quan nha bắt và tra khảo, của cải gia đình họ Vương vì thế bị vơ vét hết. Kiều phải bán mình chuộc cha và em. Đêm trước khi theo Mã Giám Sinh, Kiều đau đớn Trao duyên cho Thuý Vân – em gái của mình. Đoạn trích bộc lộ nỗi đau, tình yêu và số phận bi kịch của Kiều. Qua nghệ thuật miêu tả nội tâm tài tình của Nguyễn Du, nỗi đau và vẻ đẹp tâm hồn của nàng Kiều – người con gái tài sắc, tình nghĩa vẹn toàn – đã được thể hiện một cách tinh tế và toả sáng lấp lánh.
4. Cách đọc
Đoạn thơ có tính chất như là một đoạn ngôn ngữ độc thoại nội tâm của Thuý Kiều. Cần đọc chậm, giọng tha thiết, thể hiện lời dặn dò, tâm sự của Thuý Kiều với Thuý Vân trong một tâm trạng đau đớn và dường như tuyệt vọng.
II - Kiến thức cơ bản
Cuộc đời của con người tài sắc Thuý Kiều từ khi gia đình có tai biến đã trải qua nhiều giai đoạn. Mỗi giai đoạn được ghi dấu bằng một niềm đau. Trong Truyện Kiều, có thể nói “trao duyên” là niềm đau lớn nhất. Bởi với Thuý Kiều, trao duyên – dù cho chính em gái mình – cũng nghĩa là hết. Phải chọn tình hay hiếu, Thuý Kiều có băn khoăn nhưng không oán hờn bởi nàng biết và nàng hiểu “làm con trước phải đền ơn sinh thành”. Nhưng khi phải từ bỏ lời thề vàng đá, Thuý Kiều đã day dứt và day dứt suốt đời.
Trong Truyện Kiều, đoạn Trao duyên có vai trò như một cái bản lề khép mở hai phần đời đối lập của Kiều : hạnh phúc và đau khổ. Sau khi quyết định bán mình để nguyện tròn chữ hiếu, Thuý Kiều đối diện với mình trong nước mắt:
Nỗi riêng riêng những bàn hoàn,
Dầu chong trắng đĩa lệ tràn thấm khăn.
Gia đình Kiều chắc không phải vô tình. Sau cơn biến loạn hẳn cả nhà mệt mỏi rã rời. Thuý Kiều cũng vậy. Trong lòng tâm tư trăm mối, tương lai lại tăm tối, mù mịt, hãi hùng, người phụ nữ dù có mạnh mẽ đến đâu cũng không thể không cảm thấy tủi lòng. Giữa lúc Kiều đang tủi đau, chua xót, Thuý Vân xuất hiện và không hẳn vô tình như có người lầm tưởng. Hành động của nàng hết sức gần gũi:
Dưới đèn ghé lại ân cần hỏi han
Sự quan tâm của Thuý Vân cũng thật là tinh tế:
Cơ trời dâu bể đa đoan,
Một nhà để chị riêng oan một mình.
Không những thương, Vân còn rất hiểu lòng Kiều. Có lẽ vì vậy mà sau đó, chuyện tình duyên khó trao, khó nhận nhưng Vân đã bằng lòng với nỗi niềm cảm thông mà chẳng nói thêm gì (có ý kiến cho rằng: Thuý Vân chỉ biết bằng lòng vì lời nói rất đỗi thuyết phục của Thuý Kiều).
Chỉ chờ có vậy, Thuý Kiều đã mở đầu câu chuyện mà đáng lí ra chẳng ai nói đến bao giờ:
Cậy em em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Nghe xong Thuý Vân chắc sẽ rất bất ngờ. Lời chị khẩn khoản, thiết tha chắc không thể chỉ là chuyện bình thường. Trong nhóm các từ biểu đạt sự nhờ vả, Nguyễn Du đã chọn được hai từ đắt nhất và cũng hợp với hoàn cảnh nhất: cậy và chịu. Cậy không chỉ là nhờ. Cậy còn là trông đợi và tin tưởng. Cũng vậy, chịu không chỉ là nhận lời, chịu còn là nài ép. Chuyện chưa nói ra nhưng Kiều biết người nhận không dễ dàng chịu nhận nên nàng đã chủ động đưa Vân vào thế khó xử, tiến thoái lưỡng nan. Lời xưng hô nghiêm cẩn và trang trọng của Thuý Kiều lại càng có tác dụng gây áp lực đối với Thuý Vân.
“Chọn” và “đặt vấn đề” một cách nhanh chóng và kĩ càng, Thuý Kiều dường như ngay lập tức tiếp lời như nếu để lâu sẽ không thể nào nói được:
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.
Vậy là cái điều tưởng như khó nhất, Thuý Kiều đã nói. Thuý Vân hết sức ngỡ ngàng nhưng cũng nhanh chóng hiểu nỗi niềm của chị. Đoạn thơ ngắn gọn, hướng vào những chuyện riêng tư. Tình yêu dở dang, tan vỡ được thông tin ngắn gọn trong một thành ngữ nặng nề, chắc nịch (đứt gánh tương tư). Câu thơ thứ 4 lại hay ở hai chữ tơ thừa. Với Thuý Kiều, tình yêu chưa thể coi là đã đủ mặn mà nhưng với em (Thuý Vân) nó chỉ là sự nối tiếp. Lời Kiều sâu sắc và cũng thật xót xa.
Những câu thơ tiếp điểm qua những biến cố đời Kiều. Những biến cố ấy, Thuý Vân đều chứng kiến, thấu hiểu và cảm thông “khi gặp gỡ chàng Kim” và cả “khi sóng gió bất kì”.
Tám câu thơ đầu, ngoài lời trao duyên, Thuý Kiều chủ yếu nói về những bất hạnh của mình. Nhưng để trao duyên, Thuý Kiều còn phải chọn những lời lẽ thuyết phục :
Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ thay lời nước non.
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.
Đoạn thơ sử dụng nhiều thành ngữ, lời lẽ ý vị, kín đáo, vẹn tình. Người “nhận” có ba lí do để không thể khước từ. Trước hết, không cách nhau nhiều về tuổi tác nhưng phải nhắc đến hai chữ ngày xuân với Kiều sao giờ quá nặng nề. Rõ ràng xét về ngày xuân (hiểu là sự trong trắng tinh khôi) thì giờ đây Thuý Kiều đâu thể xứng đáng với Kim Trọng bằng Thuý Vân. Kiều dù sao cũng mang danh là đã có chồng. Lí do thứ hai lại càng thuyết phục hơn. Kiều đang nhờ Vân một điều mà chẳng ai nhờ vả bao giờ. Đã khó nhờ, khó nhận thì vả chăng chỉ có là tình chị em máu mủ mới dễ đồng cảm, để rồi “chấp nhận” cho nhau. Lí do thứ ba nghe sao như một lời khẩn cầu đầy chua xót:
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.
Không hẳn là lí do nhưng lại hoàn toàn hợp lí. Câu thơ khẩn cầu như một lời trăng trối. Và có ai lại đang tâm từ chối ước nguyện của người thân sắp phải thuộc về hoàn cảnh bấp bênh, khôn lường bất trắc ? Người ta nói Nguyễn Du là người sâu sắc nước đời là ở những chỗ như vậy.
Duyên đã được trao, người “nhận” cũng không có lí do gì để từ chối. Thuý Kiều trao kỉ vật cho em:
Chiếc vành với bức tờ mây,
Duyên này thì giữ, vật này của chung.
Thuý Kiều mất bao công sức để thuyết phục Thuý Vân nhưng chính lúc Thuý Vân chấp nhận thì cũng là lúc Thuý Kiều bắt đầu chới với để cố níu mình lại với tình yêu. Duyên đã khó trao, tình làm sao trao được ? Tìm về với những kỉ vật thiêng liêng (chiếc vành, bức tờ mây, mảnh hương nguyền) cũng là để được về với tình yêu của nàng. Những kỉ vật đẹp đẽ đó gắn liền với những ngày đẹp nhất đời Kiều. Nó thiêng liêng khi nó chỉ là của riêng nàng và Kim Trọng. Tình yêu không có người thứ ba, khi có người thứ ba, sự thiêng liêng bắt đầu đổ vỡ. Câu thơ “Duyên này thì giữ vật này của chung” thể hiện tâm trạng của Kiều xiết bao đau đớn. Tình yêu và niềm tin đối với Thuý Kiều giờ đây đã hoàn toàn trượt mất.
Cố níu kéo tình yêu bằng kỉ vật (dù chỉ trong tâm tưởng), Thuý Kiều đành ngậm ngùi đau xót nghĩ về tương lai:
Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy so tơ phím này.
Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.
Thuý Kiều như chìm trong tê dại, mê man trong cảm giác xót xa. Nhưng ngay trong lúc tưởng chừng như đã hoàn toàn cách biệt âm dương thì lời thề vàng đá của Kiều vẫn không hề thay đổi:
Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.
Tìm về tình yêu bằng cảm giác từ cõi tâm linh, Thuý Kiều vẫn không quên nghĩ về sự tủi hổ, bất hạnh của mình:
Dạ đài cách mặt khuất lời,
Rảy xin chén nước cho người thác oan.
Đoạn thơ cuối là cảm giác trở về của Thuý Kiều từ cõi hư không. Thời gian không còn là thời gian tâm trạng, nó là thời gian khách thể. Trở về với hiện thực, Thuý Kiều xót xa chấp nhận sự phũ phàng của định mệnh, chấp nhận “trâm gãy bình tan”, “tơ duyên ngắn ngủi”, “phận bạc như vôi”. Đoạn thơ dùng nhiều thành ngữ để nói tới cái “nhất thành bất biến” không thể thay đổi, chuyển dời. ý thức về hiện tại, Kiều chỉ còn biết thương mình, oán hờn số phận. Ngay trong lúc tưởng chừng Kiều sẽ buông xuôi, thì suy nghĩ của nhân vật lại rẽ sang hướng khác :
Ôi Kim lang ! Hỡi Kim lang
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây !
Câu thơ thực chất là tiếng kêu thảng thốt, là tiếng nấc nghẹn ngào của người con gái đã hoàn toàn tuyệt vọng.
Thuý Kiều sau đó xa cách Kim Trọng mười lăm năm nhưng trong mười lăm năm ấy không lúc nào nàng nguôi nhớ đến mối tình đầu. Song có lẽ không cần phải đợi đến mười lăm năm. Ngay trong ngày phải đau đớn “trao duyên”, người đọc có thể thấy tình yêu trong lòng người con gái ấy không gì có thể chia cắt nổi.
Ở Trao duyên, cần phải ghi nhận một thành công của Nguyễn Du, đó là bút lực sắc sảo tuyệt vời trong nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật.
III - Liên hệ
Tâm sự nàng Thuý Vân:
Nghĩ thương lời chị dặn dò
Mười lăm năm ấy con đò xuân xanh
Chị yêu lệ chảy đã đành
Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim
Ơ kìa sao chị lặng im
Máu còn biết chảy về tim để hồng
Lấy người yêu chị làm chồng
Đời em thể thắt một vòng oan khiên
Sụt sùi ướt cỏ Đạm Tiên
Chị thương kẻ khuất đừng quên người còn
Mấp mô số phận vuông tròn
Đất không thể thắt linh hồn đòi yêu
Là em nghĩ vậy thôi Kiều
Sánh sao đời chị ba chiều bão giông
Con đò đời chị về không
Chở theo tiếng khóc con sông Tiền Đường
Chị nhiều hờn giận yêu thương
Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò
Em chưa được thế bao giờ
Tiết trinh thương chị đánh lừa trái tim
Em thành vợ của chàng Kim
Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao
Giấu đầy đêm nỗi khát khao
Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu !
dayhoctot.com
- Một số tác giả, tác phẩm văn học tham khảo
- Tuần 1 sgk ngữ văn 10
- Tuần 2 sgk ngữ văn 10
- Tuần 3 sgk ngữ văn 10
- Tuần 4 sgk ngữ văn 10
- Tuần 5 sgk ngữ văn 10
- Tuần 6 sgk ngữ văn 10
- Tuần 7 sgk ngữ văn 10
- Tuần 8 sgk ngữ văn 10
- Tuần 9 sgk ngữ văn 10
- Tuần 10 sgk ngữ văn 10
- Tuần 11 sgk ngữ văn 10
- Tuần 12 sgk ngữ văn 10
- Tuần 13 sgk ngữ văn 10
- Tuần 14 sgk ngữ văn 10
- Tuần 15 sgk ngữ văn 10
- Tuần 16 sgk ngữ văn 10
- Tuần 17 sgk ngữ văn 10
- Tuần 18 sgk ngữ văn 10
- Tuần 19 sgk ngữ văn 10
- Tuần 20 sgk ngữ văn 10
- Tuần 21 sgk ngữ văn 10
- Tuần 22 sgk ngữ văn 10
- Tuần 23 sgk ngữ văn 10
- Tuần 24 sgk ngữ văn 10
- Tuần 25 sgk ngữ văn 10
- Tuần 26 sgk ngữ văn 10
- Tuần 27 sgk ngữ văn 10
- Tuần 28 sgk ngữ văn 10
- Tuần 29 sgk ngữ văn 10
- Tuần 30 sgk ngữ văn 10
- Tuần 31 sgk ngữ văn 10
- Tuần 32 sgk ngữ văn 10
- Tuần 33 sgk ngữ văn 10
- Tuần 34 sgk ngữ văn 10
- Tuần 35 sgk ngữ văn 10