Đề số 153: Từ một số bài ca dao than thân đỡ học hoặc đã đọc hãy phát biểu cảm nghĩ của anh (chị) về số phận người phụ nữ trong xã hội cũ

Trong mấy nghìn năm, văn học dân gian luôn là tiếng nói tâm tình, hoặc lời hét phẫn nộ, là niềm rung cảm sâu sắc, tế nhị về cái đẹp hoặc nhịp ca hào hùng đầy tin tưởng về sự tất thắng của chính nghĩa.

Bài làm

Trong mấy nghìn năm, văn học dân gian luôn là tiếng nói tâm tình, hoặc lời hét phẫn nộ, là niềm rung cảm sâu sắc, tế nhị về cái đẹp hoặc nhịp ca hào hùng đầy tin tưởng về sự tất thắng của chính nghĩa. Đặc biệt, những vần ca dao ngọt ngào, tha thiết luôn là nơi chất chứa tâm tình của nhân dân lao động. Người ta tìm thấy tiếng nói cảm thông sâu sắc khi đọc ca dao, khi tìm thấy những nhịp đập xúc cảm bình dị, đời thường nhưng rất đỗi thân quen trong đó.

Người phụ nữ trong bối cảnh gia đình và xã hội, đặc biệt trong quan hệ tình yêu và hôn nhân là một nhân vật trữ tình chủ yếu và độc đáo của ca dao. Họ bộc lộ tâm sự kín đáo, tế nhị của mình qua những hình ảnh so sánh và ẩn dụ gần gũi, thân quen nhưng chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc, nhiều tầng, đưa đến cho người đọc những nhận thức và xúc cảm đặc biệt. Những câu hát than thân gợi nhớ về những nỗi buồn chất chứa đắng cay, tủi cực, gieo vào lòng người bao nỗi xót thương. Chùm ca dao Thân em như,... được sử dụng có tính truyền thống, như một m típ quen thuộc, là lời giới thiệu, giãi bày của người phụ nữ về bản thân mình. Họ không chỉ thể hiện tế nhị dấu ấn cái tôi khiêm nhường, duyên dáng mà còn thiết tha, chân thành bộc lộ những nỗi niềm cay đắng, trách phận, than thân. Người đọc không chỉ trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ mà còn thấu cảm, sẻ chia với những nỗi niềm cay cực, xót thương mà họ cất lên trong những câu hát than thân của mình. Dấu ấn, phẩm chất của người phụ nữ trong xã hội phong kiến được khéo léo khẳng định qua những hình ảnh so sánh tế nhị, độc đáo:

 - Thân em như tấm lụa đào
       - Thân em như giếng giữa đàng
     - Thân em như miếng cau khô
  - Thân em như hạt mưa rào
- Thân em như hạt mưa sa

Nếu như hình ảnh tấm lụa đào óng ả, mượt mà biểu hiện cho vẻ đẹp ngoại hình gợi cảm, duyên dáng của người phụ nữ thì hình ảnh giếng giữa đàng trong mát lại tựa như sự trong trẻo, tinh khiết trong tâm hồn họ. Đó là những hình ảnh ca ngợi vẻ đẹp ngoại hình và nội tâm của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, đem đến cảm giác yên bình, trân trọng cho người đọc. Những hình ảnh miếng cau khô, hạt mưa rào, hạt mưa sa lại chi thân phận hèn mọn, bé nhỏ, bấp bênh, gặp nhiều bất hạnh trong cuộc đời của người phụ nữ. Lời than chứa đựng sự tủi hổ về thân phận của con người, biểu hiện một thái độ ngậm ngùi, chua xót, gây cảm thương sâu sắc đến người đọc. Người phụ nữ không chỉ ý thức được về nhan sắc, tài đức, tâm hồn mình mà còn ý thức được cả nỗi đắng cay cuộc đời mình phải chịu đựng, Chất chứa bên trong thân phận bé nhỏ, hèn mọn của họ là một ý chí, nghị lực phi thường, không chỉ làm người đọc thấu hiểu, cảm thông mà còn trân trọng khôn cùng.

Nếu người phụ nữ biểu hiện cho cái đẹp thì số phận của cái đẹp lại rất mong manh. Họ phải chấp nhận một cuộc đời trôi dạt, vô định, một cuộc sống trôi nổi, bấp bênh. Người phụ nữ không có quyền quyết định cho số phận của chính mình, phải chấp nhận một thân phận rẻ rúng, hèn mọn. Lời ca không chỉ là lời than chua xót của người phụ nữ mà còn là tiếng tố cáo sâu sắc xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, làm người đọc cảm thấy vừa thương xót người phụ nữ, vừa bất bình, phẫn nộ. Sử dụng biện pháp đối lập một cách độc đáo, người nghệ sĩ dân gian đã nhấn mạnh nghịch lý, nghịch cảnh giữa vẻ đẹp người phụ nữ và thân phận, cuộc đời bi kịch họ phải chịu đựng. Các hình ảnh đẹp đẽ được đặt trong những hoàn cảnh chua xót:

 - Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
          - Người khôn rửa mặt, kẻ phàm rửa chân
             - Kẻ thanh tham mỏng, người thô tham dày
        - Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa
- Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày

Câu hỏi tu từ chất chứa nỗi thất -vọng, chán chường, gửi gắm một phần sự bất lực, là câu hỏi muôn đời nhức nhối của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Hình ảnh người phụ nữ chỉ là vật dụng mang tính sở hữu của người đàn ông, có kẻ tùy tiện, thô tục, có người trân trọng, nâng niu, khiến người đọc phải xót xa, chua chát. Hình thức đối lập không chỉ thể hiện sự tự ý thức của người phụ nữ về thân phận của mình mà còn là sự thấu hiểu tình cảm, thái độ của người khác dành cho mình. Đây là tâm sự của người phụ nữ hiểu người, hiểu mình, đã trải qua bao nhiêu biến cố thăng trầm của cuộc đời mà chắt lại thành cái dư vị xót xa, cay đắng cho câu ca. Số phận người phụ nữ bấp bênh, mất tự chủ, nổi trội, vô định, khi nhỏ nhoi, bất hạnh, khi đài các, xa hoa, nhưng đều không có quyền tự quyết định cuộc đời mình. Những bài ca dao vừa là lời than thân khiến người đọc cảm thương, chua xót, vừa là tiếng tố cáo mạnh mẽ khiến người đọc phẫn nộ, bất bình trước sự bất công, đè nén của xã hội phong kiến, đẩy người phụ nữ vào chỗ bi kịch, đáng thương.

Người phụ nữ trong ca dao không chỉ tự ý thức về thân phận mình, lên tiếng tranh đấu cho quyền sống tự do, bình đẳng, hạnh phúc, mà còn bộc lộ những tâm sự riêng tư, sâu kín trong tình yêu, hôn nhân:

Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay.
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không.
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra.

Chàng trai không hỏi nhưng cô gái lại tự trả lời. Câu trả lời của cô là lời giãi bày, tự than chua xót, vừa trách cứ chàng trai vừa đau đớn cho thân phận của mình. Dường như không phải chàng trai yêu đơn phương mà cô gái cũng có tình có ý nhưng duyên phận của họ vẫn không thành. Chỉ yêu thương sâu sắc thì lời trách cứ mới đắng cay nhường ấy, chỉ nặng ý, nặng tình thì lời than mới chua chát như vậy. Chi tiết ba đồng một mớ trầu cay gieo vào lòng người sự xót thương sâu sắc trước số phận của người phụ nữ. Vậy mà lá trầu đến muộn, lời ngỏ lỡ làng, để rồi cả chàng trai và cô gái đều phải chấp nhận một sự thực đau lòng. Cơ hội của con người trong tình yêu mất đi, chàng trai trong bài ca chi đau đớn vì không lấy được cô gái thì nỗi đau của cô gái còn gấp bội phần, vì cô vừa không lấy được chàng trai, vừa phải chấp nhận cuộc sống của cá chậu, chim lồng. Kết cấu trùng lặp, nhắc đi nhắc lại hình ảnh của cá cắn câu, của chim vào lồng đã in đậm vào lòng người đọc dấu ấn buồn thương, chua xót của thân phận người phụ nữ đầy bi kịch, không quyết định được số phận của mình. Bài ca là tiếng hát buồn thương, đau đớn, hết sức cảm động, không chỉ về sự lỡ làng của tình yêu đôi lứa mà còn thể hiện sâu sắc về nỗi đau thân phận của người phụ nữ trong xã hội.

Mỗi bài ca dao là một mảnh tâm trạng, một nếp suy nghĩ, một điệu tâm hồn con người trong cuộc sống sinh hoạt. Tất cả những tâm hồn dân tộc khỏe khoắn, yêu đời đều được ấp ủ, nâng niu trong những vần ca dao đẹp nhất, chảy trôi trong tâm thức người đọc muốn thế hệ và nuôi dưỡng những tiếp nhận thẩm mĩ, những xúc cảm tươi, mát, trong lành. Người ta đọc ca dao là để đi tìm hồn Việt, tình Việt và lắng nghe lòng mình rung lên những cung bậc tình cảm đồng điệu, thiết tha.

Các bài học liên quan
Đề số 149: Tôi tên là Oanh liệt. Cái tên này cậu chủ đặt cho tôi nhờ những trận đấu oanh liệt của tôi trên sới chọi gà chọi trong làng. Vậy mà giờ đây, cậu chủ bỏ rơi tôi để chạy theo những trò chơi mới.
Đề số 148: Kể lại một câu chuyện xảy ra trong lớp học hoặc trong đời sống khiến anh (Chị) băn khoăn trăn trở nhiều về đạo đức và lối sống hiện nay.
Đề số 144: Viết bài văn kể về các hoạt động tình nghĩa đối với các gia đình thương binh liệt sĩ ở địa phương em mà em đã từng được tham gia hoặc chứng kiến.
Đề số 143: Kể lại câu chuyện về đôi bạn giúp nhau vượt khó, học giỏi để lại cho anh (Chị) nhiều ấn tượng sâu sắc.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 10 mới cập nhật