Đọc hiểu văn bản Uy-lít-xơ trở về
Gợi dẫn 1. Tác giả Hô-me-rơ là nhà thơ lớn mở đầu cho lịch sử văn học cổ đại Hi Lạp, “cha đẻ của thơ ca Hi Lạp”. Về tiểu sử của Hô-me-rơ, theo nhiều nhà Hi Lạp học thì ông là một nghệ sĩ dân gian, đã có công sưu tầm, chỉnh đốn những bài ca dân gian ngắn về “truyền thuyết cuộc chiến tranh Tơ-roa”
- Bài học cùng chủ đề:
- Tê-lê-mác kể lại cành người cha của mình là Uy-lít-xơ trở về
- Ngữ pháp tiếng anh hay nhất
I - Gợi dẫn
1. Tác giả Hô-me-rơ là nhà thơ lớn mở đầu cho lịch sử văn học cổ đại Hi Lạp, “cha đẻ của thơ ca Hi Lạp”. Về tiểu sử của Hô-me-rơ, theo nhiều nhà Hi Lạp học thì ông là một nghệ sĩ dân gian, đã có công sưu tầm, chỉnh đốn những bài ca dân gian ngắn về “truyền thuyết cuộc chiến tranh Tơ-roa”
để xây dựng thành hai tác phẩm hoàn chỉnh, hai bản anh hùng ca đồ sộ là I-li-át và Ô-đi-xê. Theo ước đoán, Hô-me-rơ sống vào thế kỉ IX hoặc VIII trước Công nguyên.
2. Tác phẩm
Bản anh hùng ca Ô-đi-xê (Bài ca về chàng Uy-lít-xơ) gồm 12.110 câu thơ, chia làm 24 khúc ca, lấy đề tài từ thần thoại Hi Lạp. Tác phẩm kể về một trong những cuộc hành trình trở về của các chiến binh Hi Lạp sau chiến thắng thành Tơ-roa, đó là hành trình đầy gian lao để trở về quê hương I-tắc của chàng Uy-lít-xơ, người anh hùng của người Hi Lạp.
Sau mười năm tham gia chiến trận, quân Hi Lạp đã chiến thắng và giành được thành Tơ-roa nhờ mưu kế “con ngựa gỗ” mà Uy-lít-xơ là tác giả. Uy-lít-xơ xuống thuyền trở về xứ sở, nơi vợ và con trai đang ngóng trông chàng. Nhưng khi tất cả những người anh hùng Hi Lạp nếu còn sống đều đã trở về quê hương thì Uy-lít-xơ vẫn bặt vô âm tín. Còn vợ chàng, nàng Pê-nê-lốp, thì bị bọn cầu hôn đến quấy nhiễu, buộc nàng phải chọn lấy một trong số họ để có người thay Uy-lít-xơ trị vì vương quốc. Pê-nê-lốp phải dùng mưu dệt thảm cưới để trì hoãn. Còn Uy-lít-xơ và các bạn trên hành trình trở về đã gặp phải rất nhiều tai nạn. Họ ăn phải hoa lú ở xứ Lô-tô-pha-giơ nên quên đường về. Sau đó rơi vào tay những gã khổng lồ ăn thịt người Pô-li-phem. Nhờ trí thông minh của Uy-lít-xơ, họ thoát khỏi nơi đó thì lại rơi vào tay gã khổng lồ Le-tri-ông, rồi tới xứ sở của mụ phù thuỷ Xiếc-xê. Thần linh báo cho Uy-lít-xơ biết chàng còn gặp phải nhiều tai nạn khác nữa. Chàng cùng đoàn thuỷ thủ lại lọt vào vùng biển của những nàng tiên cá Xi-ren có tiếng hát mê hồn, ai nghe thấy tiếng hát ấy thì sẽ tự nhảy xuống biển mà chết. Nhờ thông minh, Uy-lít-xơ vẫn nghe được tiếng hát mà không bị chết. Sau đó họ lại lọt vào eo biển có hai con quỷ Ca-líp và quỷ Xi-la canh giữ rồi đến xứ sở của thần mặt trời Hê-li-đôx. Chạy khỏi nơi này họ lại bị thần biển nổi giận nổi sóng đánh chìm thuyền để trả thù cho con trai của thần là tên khổng lồ Pô-li-phem đã bị Uy-lít-xơ chọc mù mắt. Và thuyền của chàng bị đẩy đến đảo của tiên nữ Ca-líp-xô xinh đẹp có mái tóc vàng óng. Tiên nữ đã yêu chàng say đắm và giữ chàng ở lại tới bảy năm. Mặc dù được tiên nữ yêu thương hết mực nhưng Uy-lít-xơ vẫn không nguôi thương nhớ vợ con và xứ sở. Bảy năm trên đảo chiều nào chàng cũng ra ngồi ở bờ biển mắt hướng về quê hương nước mắt giàn giụa. Thần linh trên đỉnh Ô-lanh-pơ xúc động nên yêu cầu tiên nữ không được giữ Uy-lít-xơ nữa. Nhưng chàng còn lạc vào xứ Phê-a-xi hiếu khách, sau đó mới trở về được quê hương. Về đến nhà, Uy-lít-xơ cùng con trai giết hết bọn cầu hôn, sau đó còn phải trải qua những thử thách của nàng Pê-nê-lốp thuỷ chung thì gia đình chàng mới được đoàn tụ trong niềm hạnh phúc vô bờ.
Đoạn trích Uy-lít-xơ trở về thuộc khúc ca thứ XXIII, phần cuối tác phẩm, kể về cuộc hội ngộ giữa Uy-lít-xơ và vợ chàng – nàng Pê-nê-lốp thuỷ chung và xinh đẹp sau hai mươi năm xa cách. Cuộc đấu trí giữa hai người đã thể hiện trí thông minh và sự sáng suốt của những người đại diện cho cộng đồng cư dân I-tắc. ở đoạn trích này vẻ đẹp của hai nhân vật Uy-lít-xơ và Pê-nê-lốp đã toả sáng. Pê-nê-lốp khôn ngoan và thuỷ chung, Uy-lít-xơ vừa muôn vàn trí xảo, vừa oai phong như một vị thần. Đoạn trích còn tiêu biểu cho nghệ thuật kể chuyện của sử thi, vừa giàu chất thơ, vừa giàu nhạc tính, có sự tham gia của nhiều định ngữ nghệ thuật và lối kể chuyện theo kiểu trì hoãn sử thi rất hấp dẫn. Qua việc ngợi ca trí tuệ của người anh hùng Uy-lít-xơ, nhân dân Hi Lạp đã thể hiện trí tuệ sáng suốt và sự phát triển rực rỡ của nền văn minh Hi Lạp.
3. Tóm tắt
Nhũ mẫu thông báo Uy-lít-xơ trở về nhưng Pê-nê-lốp không tin. Nàng bước xuống lầu trong tâm trạng hồi hộp phân vân. Thấy Uy-lít-xơ trong bộ quần áo rách rưới, nàng vẫn ngồi lặng thinh trên ghế dù lòng sửng sốt, kinh ngạc quá chừng. Trước sự thận trọng của vợ, Uy-lít-xơ nhẫn nại chờ đợi. Sau khi tắm rửa, Uy-lít-xơ đẹp như một vị thần, nhưng Pê-nê-lốp vẫn không nhận. Uy-lít-xơ trách vợ có “trái tim sắt đá” và bảo nhũ mẫu kê cho mình chiếc giường để ngủ riêng. Pê-nê-lốp sai nhũ mẫu khiêng chiếc giường do chính tay Uy-lít-xơ ngày xưa làm ra để thử chồng. Nghe thế, Uy-lít-xơ giật mình. Chàng bèn miêu tả lại chiếc giường và cả bí mật quá trình làm ra nó nữa. Pê-nê-lốp bủn rủn chân tay, nước mắt chan hoà, mừng rỡ và giải thích cho chồng hiểu. Uy-lít-xơ nghẹn ngào trong hạnh phúc.
4. Cách đọc và kể
Đọc và kể theo giọng nhân vật và giọng người dẫn chuyện. Riêng giọng nhân vật, căn cứ lời dẫn để chọn giọng đọc. Ví dụ: sau “Pê-nê-lốp thận trọng nói” cần đọc chậm và rõ ; sau “Nhũ mẫu Ơ-ri-clê hiền thảo đáp” cần đọc nhỏ nhẹ, ngọt ngào; sau “Tê-lê-mác chậm rãi đáp” cần đọc chậm và nhấn giọng,…
II - kiến thức cơ bản
Ô-đi-xê được Hô-me-rơ viết vào giai đoạn người Hi Lạp sắp bước vào chế độ chiếm hữu nô lệ, khi mà ý thức về gia đình, hôn nhân, quan hệ tình cảm trong gia đình xuất hiện và trở thành tiến bộ xã hội. Qua đoạn trích, tác giả khắc hoạ nổi bật vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ của Uy-lít-xơ và Pê-nê-lốp.
Trước hết, nhân vật Pê-nê-lốp được thể hiện là một phụ nữ có tính cách đặc biệt. Khi nhũ mẫu Ơ-ri-clê báo tin Uy-lít-xơ đã trở về và đã trừng trị bọn cầu hôn, mặc dù khát khao cháy bỏng về điều đó, Pê-nê-lốp vẫn nói : “Già ơi, già hãy khoan hí hửng, reo cười. Già cũng biết, nếu chàng trở về thì mọi người trong nhà, nhất là tôi và con trai chúng tôi sinh ra kia sẽ sung sướng biết bao ! Nhưng câu chuyện già kể không hoàn toàn đúng sự thật”. Có thể nói : lí trí đã đặt nàng trước hai điều nghi hoặc lớn : một là, Uy-lít-xơ chỉ có một mình làm sao giết nổi bọn cầu hôn đông đến 108 tên ; hai là, Uy-lít-xơ đi đã hai mươi năm đằng đẵng, quá mòn mỏi chờ đợi, nàng nghĩ rằng chàng đã chết, không hi vọng gì việc chàng trở về. Vậy, Uy-lít-xơ là giả mạo ? Nỗi nghi hoặc trào dâng đến nhức nhối nhưng Pê-nê-lốp không tự mình giải đáp được. Chính bởi lẽ đó mà Pê-nê-lốp không tin lời nhũ mẫu nói và khi trực tiếp gặp Uy-lít-xơ, Pê-nê-lốp vẫn chưa nhận chàng là chồng mặc dù tâm trạng nàng “rất đỗi phân vân”. Ngay cả khi Tê-lê-mác trách cứ nàng gay gắt, Pê-nê-lốp xúc động dữ dội nhưng vẫn chưa vượt khỏi nỗi nghi hoặc bao vây. Chỉ khi Uy-lít-xơ giải thích cặn kẽ điều bí mật về chiếc giường, nàng mới chắc chắn là chồng mình đã trở về và “chạy ngay lại, nước mắt chan hoà, ôm lấy cổ chồng, hôn lên trán chồng…”.
Không phải ngẫu nhiên mà bốn lần tên nhân vật Pê-nê-lốp được kèm theo định ngữ thận trọng (“Pê-nê-lốp thận trọng nói”, “Pê-nê-lốp thận trọng đáp”, “Pê-nê-lốp thận trọng đáp”, “Pê-nê-lốp thận trọng đáp”). Đây là sự lặp lại có dụng ý nghệ thuật, nhằm khắc hoạ đậm nét hình ảnh một Pê-nê-lốp rất mực thuỷ chung và đồng thời cũng là một Pê-nê-lốp rất mực khôn ngoan, nhẫn nại và chín chắn.
Về nhân vật Uy-lít-xơ, trong đoạn trích, cả ba nhân vật Ơ-ri-clê, Tê-lê-mác và Pê-nê-lốp đều có những lời ca ngợi phẩm chất trí tuệ của chàng. (Nhũ mẫu Ơ-ri-clê khi chợt nhận ra cái sẹo khi rửa chân cho Uy-lít-xơ, toan mách Pê-nê-lốp thì bị chàng đưa tay bịt miệng, đã cho rằng “vì người đang có trong đầu một ý nghĩ rất khôn” ; Tê-lê-mác thì đinh ninh : “… xưa nay cha vẫn là người nổi tiếng khôn ngoan, không một kẻ phàm trần nào sánh kịp” ; còn Pê-nê-lốp : “… xưa nay chàng vẫn là người nổi tiếng khôn ngoan”. Sở dĩ có sự đề cao phẩm chất ấy bởi tác phẩm Ô-đi-xê được sáng tác vào thời kì chiến tranh kết thúc, người Hi Lạp hướng hoạt động của mình vào công cuộc xây dựng hoà bình. Họ khát khao mở rộng địa bàn sang phía tây Địa Trung Hải. Trong sự nghiệp khám phá, chinh phục thế giới biển cả bao la đầy những bất trắc và bí hiểm đó, ngoài lòng quả cảm, con người phải có những phẩm chất trí tuệ : thông minh, tỉnh táo, mưu chước, khôn ngoan,… Hình tượng nhân vật Uy-lít-xơ chính là sự lí tưởng hoá sức mạnh bên trong, sự kì diệu của trí tuệ con người. Điều đó không chỉ cần cho thời đại của Hô-me-rơ mà còn cần cho mọi thời, nhất là khi con người không ngừng vươn tới khám phá, chinh phục những đỉnh cao khoa học công nghệ, sáng tạo những sản phẩm tiên tiến phục vụ cho chính cuộc sống nhân loại.
Để khắc hoạ nổi bật hình tượng nhân vật, Hô-me-rơ đã sử dụng một nghệ thuật miêu tả tâm lí đặc sắc. Trong đoạn trích, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sử thi được thể hiện rất rõ trong đoạn, từ Nói xong, nàng bước xuống lầu cho đến dưới bộ quần áo rách mướp. Nếu như trong tiểu thuyết hiện đại, tâm lí nhân vật thường được diễn tả trực tiếp, với cái nhìn từ bên trong thì ở đây, bút pháp sử thi lại diễn tả tâm lí nhân vật thông qua những biểu hiện bên ngoài, với cái nhìn từ bên ngoài. Tâm trạng phân vân, đầy nghi hoặc của Pê-nê-lốp được diễn tả bằng những chi tiết tiêu biểu : “… nàng không biết nên đứng xa xa hỏi chuyện người chồng yêu quý của mình hay nên lại gần, ôm lấy đầu, cầm lấy tay người mà hôn ?”, “khi vào đến nhà, bước qua ngưỡng cửa bằng đá, nàng đến ngồi trước mặt Uy-lít-xơ, dưới ánh lửa hồng, dựa vào bức tường đối diện”, “… nàng vẫn ngồi lặng thinh trên ghế hồi lâu, lòng sửng sốt, khi thì đăm đăm âu yếm nhìn chồng, khi lại không nhận ra chồng dưới bộ quần áo rách mướp”. Đó là một trạng thái tâm lí hết sức phức tạp, nửa tin nửa ngờ không thể phân định rõ ràng.
Mặt khác, để thể hiện sâu sắc phẩm chất trí tuệ sáng suốt, khôn ngoan của nhân vật sử thi, Hô-me-rơ đã tạo ra những tình huống tinh tế để nhân vật tự bộc lộ. Ngồi trước mặt Uy-lít-xơ, “nàng vẫn lặng thinh” và đáp lại lời trách mắng gay gắt của Tê-lê-mác, Pê-nê-lốp nói : “Nếu quả thực đây chính là Uy-lít-xơ, bây giờ đã trở về, thì con có thể tin chắc rằng thế nào cha con và mẹ cũng sẽ nhận được ra nhau một cách dễ dàng, vì cha và mẹ có những dấu hiệu riêng, chỉ hai người biết với nhau, còn người ngoài không ai biết hết”. Đây không chỉ là nói với Tê-lê-mác mà chính là thông qua lời nói với con để nói với Uy-lít-xơ. Lúc này, Uy-lít-xơ với Pê-nê-lốp vẫn còn là người xa lạ, nàng phải giữ khoảng cách lịch sự, thái độ nhã nhặn nên không thể nói trực tiếp với Uy-lít-xơ. Chắc chắn, khi nói những lời này, Pê-nê-lốp đã nghĩ đến việc dùng bí mật về cái giường để thử thách Uy-lít-xơ. Sau khi nghe Pê-nê-lốp nói với Tê-lê-mác, Uy-lít-xơ vẫn nhẫn nại mỉm cười nói với con trai : “Tê-lê-mác, con ! Đừng làm rầy mẹ, mẹ còn muốn thử thách cha ở tại nhà này. Thế nào rồi mẹ con cũng sẽ nhận ra, chắc chắn như vậy…”, thì còn là nói với chính Pê-nê-lốp. Như vậy, khi nói những lời này, Uy-lít-xơ đã nhận ra ý định thử thách của Pê-nê-lốp và mặc dù chưa biết sự thử thách đó là gì nhưng chàng vẫn sẵn sàng chấp nhận. Có thể nói, Pê-nê-lốp và Uy-lít-xơ đã ngầm đối thoại với nhau. Cái “mỉm cười” của Uy-lít-xơ cho thấy chàng là người hết sức bản lĩnh, biết kìm chế tình cảm để có được sự sáng suốt. Đó là cái “mỉm cười” của người hiểu rõ khả năng bản thân, tin vào bản thân, cũng là cái cười thấu hiểu và độ lượng đối với vợ và con trai mình.
Ngoài ra, một trong những biện pháp nghệ thuật được Hô-me-rơ sử dụng rất có hiệu quả là biện pháp so sánh. Có thể thấy giá trị của biện pháp này trong đoạn văn “Dịu hiền thay mặt đất […] không nỡ buông rời. ”. Uy-lít-xơ giống như “mặt đất” ; Pê-nê-lốp giống như người đi biển bị đắm thuyền trong sóng cả gió to, thoát khỏi biển khơi trắng xoá mà vào đến bờ, mừng rỡ bước lên đất liền mong đợi. Hình ảnh so sánh này diễn tả sâu sắc tâm trạng mong mỏi, khao khát và niềm hạnh phúc vô bờ của Pê-nê-lốp khi thực sự được đoàn tụ cùng chồng sau hai mươi năm đằng đẵng li biệt.
Tóm lại, qua hai nhân vật trung tâm, Uy-lít-xơ và Pê-nê-lốp, trong đoạn trích Uy-lít-xơ trở về, Hô-me-rơ đã thể hiện được một cách sâu sắc hai phẩm chất cao đẹp mà con người luôn khao khát vươn tới: trí tuệ – sự khôn ngoan, mưu trí, tỉnh táo, sáng suốt và tình yêu – tình yêu quê hương, xứ sở, tình cảm gia đình, tình vợ chồng son sắt, thuỷ chung.
III - Liên hệ
Sử thi, về bản chất là những bài ca anh hùng, nó luôn thể hiện cái không khí hào hùng, sôi nổi, mãnh liệt, căng thẳng. Nhưng người đọc (và nghe) tất nhiên sẽ không thể chịu đựng nổi một sự căng thẳng thường xuyên như vậy, cho nên cần thiết phải chen vào tác phẩm một số cảnh mang màu sắc trữ tình để tạo sự chùng lại và kích thích khao khát chờ đợi bước diễn tiến của sự kiện, phù hợp với thủ pháp “trì hoãn sử thi”. Đồng thời tính trữ tình cũng làm cho sử thi càng thêm thi vị, đa dạng và bộc lộ được chiều sâu tâm lí của nhân vật. Những cảnh Ca-líp-xô và Uy-lít-xơ, cảnh giấc mộng Nô-di-ca, cảnh Uy-lít-xơ gặp Nô-di-ca trên bãi biển, cảnh Uy-lít-xơ trở về gặp Pê-nê-lốp v.v… trong Ô-đi-xê là những đoạn thơ trữ tình kiệt tác trong văn học thế giới.
dayhoctot.com
- Một số tác giả, tác phẩm văn học tham khảo
- Tuần 1 sgk ngữ văn 10
- Tuần 2 sgk ngữ văn 10
- Tuần 3 sgk ngữ văn 10
- Tuần 4 sgk ngữ văn 10
- Tuần 5 sgk ngữ văn 10
- Tuần 6 sgk ngữ văn 10
- Tuần 7 sgk ngữ văn 10
- Tuần 8 sgk ngữ văn 10
- Tuần 9 sgk ngữ văn 10
- Tuần 10 sgk ngữ văn 10
- Tuần 11 sgk ngữ văn 10
- Tuần 12 sgk ngữ văn 10
- Tuần 13 sgk ngữ văn 10
- Tuần 14 sgk ngữ văn 10
- Tuần 15 sgk ngữ văn 10
- Tuần 16 sgk ngữ văn 10
- Tuần 17 sgk ngữ văn 10
- Tuần 18 sgk ngữ văn 10
- Tuần 19 sgk ngữ văn 10
- Tuần 20 sgk ngữ văn 10
- Tuần 21 sgk ngữ văn 10
- Tuần 22 sgk ngữ văn 10
- Tuần 23 sgk ngữ văn 10
- Tuần 24 sgk ngữ văn 10
- Tuần 25 sgk ngữ văn 10
- Tuần 26 sgk ngữ văn 10
- Tuần 27 sgk ngữ văn 10
- Tuần 28 sgk ngữ văn 10
- Tuần 29 sgk ngữ văn 10
- Tuần 30 sgk ngữ văn 10
- Tuần 31 sgk ngữ văn 10
- Tuần 32 sgk ngữ văn 10
- Tuần 33 sgk ngữ văn 10
- Tuần 34 sgk ngữ văn 10
- Tuần 35 sgk ngữ văn 10