Đề Thi học kì 1 lớp 4 môn Tiếng Việt – Yên Minh 2017: Em hãy miêu tả một đồ vật thân quen mà em...

Gửi các em học sinh Thi học kì 1 lớp 4 môn Tiếng Việt – Yên Minh 2017: Em hãy miêu tả một đồ vật thân quen mà em.... DayHocTot.com hy vọng nó sẽ giúp các em học và làm bài tốt hơn.

Trường Tiểu học Hữu Vinh – Hà Giang vừa tổ chức kì thi cuối học kì 1. Và dưới đây là Đề kiểm tra học kì 1 lớp 4 môn Tiếng Việt năm 2017 vừa được Dethikiemtra cập nhật và đăng tải.

PHÒNG GD&ĐT YÊN MINH

TRƯỜNG PTDTBT TIỂU HỌC HỮU VINH

 ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ I, NĂM HỌC 2017- 2018

Môn: Tiếng Việt – Lớp 4

I. Kiểm tra đọc (10 đ)

1. Kiểm tra đọc thành tiếng (3 điểm)

Học sinh đọc một đoạn văn trong các bài tập đọc trong SGK TV4 tập I từ tuần 10 đến 17. (do giáo viên lựa chọn và chuẩn bị trước ghi rõ tên bài đoạn đọc và số trang vào phiếu) cho từng học sinh bốc thăm, đọc thành tiếng và trả lời câu hỏi.     

2. Kiểm tra đọc hiểu kết hợp kiểm tra kiến thức tiếng Việt (7 điểm)

(Thời gian 35 phút )

Cho bài văn sau:

Sự tích các loài hoa

  Ngày xưa, chỉ ở thiên đường mới có hoa, còn trên mặt đất chưa có loài hoa nào. Mãi về sau, nhận ra sai sót ấy, trời mới sai Thần Sắc Đẹp vẽ hoa cho các loài cây. Vẽ xong, Thần muốn tặng hương cho chúng nhưng lại không mang đủ hương cho tất cả. Thần quyết định sẽ chỉ tặng hương thơm cho những loài hoa có tấm lòng thơm thảo.

Thần hỏi hoa hồng:

– Nếu có hương thơm ngươi sẽ làm gì?

– Con sẽ nhờ chị Gió mang tặng cho muôn loài.

Thần liền tặng hoa hồng làn hương quý báu.

Gặp hàng râm bụt đỏ chót, Thần hỏi :

– Nếu có hương thơm người sẽ làm gì?

Râm bụt trả lời :

– Con sẽ khiến ai cũng phải nể mình.

Nghe vậy, Thần bỏ đi. Đi mãi, tặng gần hết bình hương, gặp hoa ngọc lan, Thần lại hỏi :

– Nếu có hương thơm ngươi sẽ làm gì?

Ngọc lan ngập ngừng thưa :

– Con cảm ơn Thần. Nhưng xin Thần ban tặng cho hoa cỏ ạ.

Thần ngạc nhiên hỏi :

– Hoa nào cũng muốn có hương thơm. Lẽ nào ngươi không thích ?

– Con thích lắm ạ. Nhưng con đã được ban cho làn da trắng trẻo, lại ở trên cao. Còn bạn hoa cỏ thì mảnh dẻ, lại ở sát đất. Nếu có hương thơm, bạn ấy sẽ không bị người ta vô tình dẫm lên.

Cảm động trước tấm lòng thơm thảo của ngọc lan. Thần Sắc Đẹp ban tặng cho loài hoa ấy hương thơm ngọt ngào hơn mọi loài hoa.

Theo Intemet

Đọc bài Sự tích các loài hoa, sau đó khoanh tròn vào chữ cái đặt trước câu trả lời đúng hoặc (viết vào chỗ chấm ) cho từng câu hỏi dưới đây:

Câu 1: Thần Sắc Đẹp quyết định ban tặng hương thơm cho những loài hoa như thế nào?

A. Cho những loài hoa đẹp nhất.

B. Cho những loài hoa có tấm lòng thơm thảo.

C. Cho hoa hồng và hoa ngọc lan.

Câu 2: Theo em tại sao Thần Sắc Đẹp quyết định như vậy?

A. Vì chỉ loài hoa đẹp mới xứng đáng có làn hương thơm.

B. Vì chỉ có tấm lòng thơm thảo mới xứng đáng với làn hương thơm.

C. Vì hoa hồng, ngọc lan vừa đẹp vừa thơm thảo.

Câu 3: Điền từ thích hợp vào chỗ………. để được ý đúng

Cảm động trước tấm lòng …………. của ngọc lan. Thần Sắc Đẹp ban tặng cho loài hoa ấy hương thơm ………….. hơn mọi loài hoa.

Câu 4: Vì sao hoa râm bụt không được Thần ban tặng hương thơm?

……………………………………………………………………………………

Câu 5: Câu trả lời của hoa hồng thể hiện tấm lòng thơm thảo như thế nào?

A. Hoa hồng không muốn Thần ban tặng hương thơm cho mình.

B. Hoa hồng muốn chia sẻ hương thơm của mình cho muôn loài.

C. Hoa hồng muốn nhường hương thơm cho chị Gió.

Câu 6: Câu trả lời của hoa ngọc lan thể hiện tấm lòng thơm thảo chia sẻ với ai?

………………………………………………………………………………………….

Câu 7: Câu: “Gặp hoa ngọc lan, Thần lại hỏi :” có mấy động từ ?

A. Không có động từ nào.

B. Có một động từ: gặp.

C. Có hai động từ: gặp, hỏi.

Câu 8: Dòng nào sau đây liệt kê dúng các từ láy trong truyện?

A. Trắng trẻo, ngập ngừng, ngọt ngào.

B. Thơm thảo, hoa hồng, mảnh dẻ

C. Hương thơm, hoa hồng, ngập ngừng.

Câu 9: Em hãy đặt một câu có đủ hai thành phần chủ ngữ và vị ngữ thuộc câu kể Ai làm gì?

…………………………………………………………………………………….

Câu 10: Nhớ – viết các trò chơi dân gian ở địa phương mà em biết (khoảng 8 đến 10 trò chơi) ?

………………………………………………………………………………………….

II. Kiểm tra viết (10 điểm)

1. Chính tả (nghe- viết) (4 điểm )

(Thời gian 20 phút)

Kéo co

   Làng Tích Sơn thuộc thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc lại có tục thi kéo co giữa trai tráng hai giáp trong làng. Số người của mỗi bên không hạn chế. Nhiều khi, có giáp thua keo đầu, tới keo thứ hai, đàn ông trong giáp kéo đến đông hơn, thế là chuyển bại thành thắng. Sau cuộc thi, dân làng nổi trống mừng bên thắng. Các cô gái làng cũng không ngớt lời ngợi khen những tràng trai thắng cuộc.

 Theo Toan Ánh

2. Tập làm văn (6 điểm) (Thời gian 20 phút)

Đề bài: Em hãy miêu tả một đồ vật thân quen mà em yêu thích.

—— HẾT ——–

LỜI GIẢI

I. Kiểm tra đọc (10 điểm)

1. Đọc thành tiếng (3 điểm) * Dựa vào chuẩn KTKN, căn cứ vào tốc độ đọc, cách phát âm của HS để cho điểm

– Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đọc đạt y/c giọng đọc có biểu cảm: 1 điểm

– Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa, đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.

– Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm

2. Đọc thầm và làm bài tập (7 điểm)

Câu 1: Chọn ý B ( 0,5 điểm).

Câu 2: Chọn ý B ( 0,5 điểm).

Câu 3: Điền từ (thơm thảo, ngọt ngào) (0,5 điểm)

Câu 4: (1 điểm). Vì hoa râm bụt chỉ muốn có hương thơm để mọi người phải nể.

Câu 5: Chọn ý B ( 0,5 điểm ).

Câu 6: Ngọc lan nhường quà tặng của Thần cho loài hoa nhỏ bé, yếu đuối hơn mình (1 điểm)

Câu 7: Chọn ý C (0,5 điểm). 

Câu 8: Chọn ý A ( 0,5 điểm ).

Câu 9: (1 điểm) Ví dụ: Mẹ em đi bẻ ngô.

Câu 10: (1 điểm )

Kéo co, đánh yến, chơi quay, tung còn, đẩy gậy, đu quay, ô ăn quan, chơi chuyền, nhảy dây, chơi chắt …

II. Kiểm tra viết (10 điểm)

1. Kiểm tra viết chính tả (4 điểm)

       Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày đúng đoạn văn

(4 điểm).

Mỗi lỗi chính tả trong bài( sai- lẫn phụ âm đầu hoặc vần, thanh, không viết hoa đúng quy định) trừ 0,1 điểm.

* Lưu ý :  Chữ viết không rõ ràng, sai độ cao, khoảng cách, kiểu chữ hoặc trình bày bẩn…trừ 0,2 điểm toàn bài.

2. Kiểm tra viết văn (6 điểm)

Đồ vật nào trong gia đình cũng để lại trong em nhiều kỉ niệm sâu sắc của tuổi thơ ấu. Từ cái nôi nơi đưa em vào những giấc ngủ ngon lành khi em còn bé tí tẹo đến cái đồng hồ báo thức, tấm lịch treo tường nhắc nhở em ngày tháng trôi qua và giờ giấc học tập. Tất cả các đồ vật đã trở thành thân quen, thành những người bạn tốt của em, nhưng nơi giúp em chuyên cần học tập, nơi em ngồi và học bài chính là cái bàn, người bạn đã gắn liền với em trong suổt thời gian đi học.

Bàn được kê ở một nơi yên tĩnh ngay bên cửa sổ nhìn ra vườn cây. Ngay từ khi vào lớp Một, ba đã mua cho em chiếc bàn này.

Bàn khá xinh xắn, tuy chỉ bằng gỗ bình thường nhưng đã được đánh bóng và được phủ lên bằng một lớp véc-ni màu nâu rất đẹp. Đặt trên mặt bàn là một tấm kính màu dày năm ly. Em lồng thời khóa biểu và mấy tấm ảnh chụp chung cùng gia đình dưới tấm kính. Mọi thứ đế trên bàn đều gọn gàng, ngăn nắp. Phía bên phải, em để cặp sách, ở giữa là một lọ hoa hồng bằng vải màu đỏ tươi. Bàn có bôn chân vững chắc, không cao lắm, vừa tầm em ngồi nên rất thoải mái. Một ngăn kéo nhỏ bám theo phần dưới của mặt bàn, có núm tròn bằng sắt mạ bạc. Trong ngăn bàn, em để sách vở, đồ dùng học tập. Chân bàn và ngăn kéo đều được đánh véc-ni nhẵn bóng.

Bên cạnh bàn, một chiếc ghế tựa có bốn chân, kích thước hài hòa với chiếc bàn, trông cũng gọn gàng đẹp mắt. Nơi đây em ngồihọc thoải mái, em nghe thấy tiếng chim hót ở ngoài vườn, tiếng gió luồn qua các lá cây xào xạc. Mỗi buổi ban mai, những tia nắng vàng xuyên qua các kẽ lá nhảy nhót trên bàn như đang nô đùa với em.

Em rất yêu chiếc bàn học, nó đã trở thành người bạn thân thiết cùng em sớm tối học hành, nó cũng là đồ vật để lại trong em nhiều kỉ niệm vui buồn của tuổi học trò.

Các đề thi và bài kiểm tra lớp 4 khác

Bài học nổi bật nhất

Top 10 trường học nổi bật

Đề thi lớp 4 mới cập nhật