ĐỀ 99. Phân tích đoạn trích Hai cây phong (trích trong tác phẩm Người thầy đầu tiên của Ai-ma-tốp)

Đoạn trích Hai cây phong là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp và là kí ức tuổi thơ hiện lên qua dòng hồi tưởng tràn đầy cảm xúc yêu thương.

BÀI LÀM

Ai-ma-tốp sinh năm 1928 là nhà văn Cư-rơ-gư-xtan, một nước cộng hòa vùng Trung Á, thuộc Liên Xô trước đây. Ông là nhà văn, nhà chính khách. Nhiều tác phẩm của ông quen thuộc với bạn đọc Việt Nam như Cây phong non trùm khăn đỏ, Người thầy đầu tiên, Con tàu trắng, Mắt lạc đà. Người thầy đầu tiên là tác phẩm xuất sắc của Ai-ma-tốp, đoạn trích Hai cây phong là phần đầu của truyện.

Nội dung truyện được đặt trong vùng quê hẻo lánh của Cư-rơ-gư-xtan, vào giữa những năm 20 của thế kỉ trước. Thời đó trình độ phát triển nơi đây còn thấp, tư tưởng phong kiến, gia trưởng còn nặng nề, phụ nữ bị coi thường, trẻ mồ côi bị rẻ rúng. Cô bé An-tư-nai mồ côi sống trong gia đình chú thím ở làng Ku-ku-ru chẳng được học hành và phải chịu sự giám sát sai khiến của bà thím. Thầy Đuy-sen được Đoàn Thanh niên Cộng sản cử về làng để mở trường, đã kịp thời cứu giúp cho em đến trường. Bà thím ác nghiệt định gả bán An-tư-na làm lẽ cho người ta. Một lần nữa An-tư-nai được thầy Đuy-sen giải thoát, được lên tỉnh học, rồi đến học tiếp ở Mat-xcơ-va, sau trở thành nữ viện sĩ An-tư-nai Xu-lai-ma-nô-va. Còn thầy Đuy-sen, người thầy hết lòng tận tụy với học trò sau này già về làm nghề đưa thư.

Đoạn trích Hai cây phong là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp và là kí ức tuổi thơ hiện lên qua dòng hồi tưởng tràn đầy cảm xúc yêu thương. Thông qua việc miêu tả vẻ đẹp của hai cây phong, cảnh sắc quê hương được cảm nhận bằng những hình ảnh đường nét đậm nhạt, cao thấp, gần xa làm hiện lên không gian nghệ thuật rất đáng yêu mến tự hào của một người con đối với cố hương, của một họa sĩ tài hoa trước thiên nhiên kì thú. Sau câu chữ là bao cảm xúc dâng trào với bao nỗi nhớ thương.

Mở đầu đoạn trích tác giả đã rất nhiều lần nhắc đến hai chữ làng tôi “làng Ku-ku-ru của chúng tôi nằm ven chân núi, trên một cao nguyên rộng có những khe nước ào ào từ nhiều ngách đá đổ xuống”. “Phía dưới làng tôi là một thung lũng”, “phía trên làng tôi”. Hai tiếng đó cất lên, gợi cảm và đầm ấm, gợi lên biết bao nhiêu thương nhớ.

Nỗi nhớ về làng Ku-ku-ru đối với đứa con xa quê trở về là nhớ đến hai cây phong trên đồi cao ở đầu làng. Hai cây phong này là dấu ấn của làng đã in sâu vào trong trái tim và trí óc của người đi xa. Nó cũng là loại cây đã gắn liền với tuổi thơ của nhân vật tôi, “từ thuở bắt đầu biết mình”, một sự gắn bó thiết tha đối với một đời người. Hãy nghe người đi xa tâm sự. Đã bao lần tôi từ những chốn xa xôi về Ku-ku-ru, và lần nào tôi cũng nghĩ thầm với nỗi buồn da diết: “Ta sắp được thấy chúng chưa, cây phong sinh đôi ấy? Mong sao chóng về tới làng, chóng lên đồi mà đến với hai cây phong! Rồi sau đó cứ đứng dưới gốc cây để nghe tiếng lá reo cho đến khi say sưa ngây ngất”. Hai cây phong không chỉ là chứng nhân của những kỉ niệm tuổi thơ mà giờ đây là nỗi nhớ, niềm thương, là chứng nhân của những kỉ niệm tuổi thơ mà giờ đây là nỗi nhớ, niềm thương, hai cây phong là người thân mà nhân vật tôi mong gặp nhất trong những lần về thăm quê. Tình yêu tha thiết hai cây phong tuôn chảy không ngừng dưới ngòi bút tinh tế của nhà văn đã mang lại cho hai cây phong đời sống tâm hồn phong phú như con người. Đây là bức tranh được vẽ bằng ngôn ngữ đầy tính tạo hình của hội họa và trữ tình của thơ, của nhạc. Trong ngôi làng thân yêu ấy không thiếu gì các loại cây nhưng hai cây phong thì khác hẳn, chúng có tiếng nói riêng và phải có một tâm hồn chứa chan những lời ca êm dịu. Cây phong ấy khi gặp mây đen kéo đến cùng với bão giông, xô gãy cành tỉa trụi lá, hai cây phong nghiêng ngả tấm thân dẻo dai và reo vù vù như một ngọn lửa phẩm chất tốt đẹp của bao con người quê hương, con người thảo nguyên. Nhân vật tôi yêu hai cây phong của quê nhà bằng một tình yêu thủy chung son sắt. Hai cây phong được quan sát và miêu tả tỉ mỉ, sinh động bằng đôi tai của người nhạc sĩ, đôi mắt của người họa sĩ, sự rung động từ con tim của một nhà thơ. Bức tranh ấy là một bản giao hưởng âm thanh với đầy đủ cung bậc buồn vui. Dường như tác giả đã đứng ngay dưới gốc cây biết bao nhiêu lần thì mới cảm nhận được tiếng của cây có khi tha thiết nồng nàn, lại có khi “chúng im bặt một thoáng rồi khắp lá cành lại cất tiếng thở dài như tiếc thương người nào”. Những âm thanh ấy sau này tác giả khám phá ra rằng vì hai cây phong đứng trên đồi cao lộng gió nên đáp lại được bất kì chuyển động nào của không khí, bất kì chuyển động nhỏ đều chạy đến đón lấy mọi làn gió thổi qua. Việc khám phá ra chân lí đơn giản ấy không làm cho tác giả vỡ mộng xưa, không làm cho tác giả bỏ mất cách cảm thụ của tuổi thơ mà ông còn giữ cho tới ngày nay. Và cho đến tận bây giờ ông vẫn cảm nhận thấy hai cây phong trên đồi có vẻ sinh động khác thường.Vì tuổi trẻ của ông đã để lại nơi ấy, bên cạnh chúng như một mảnh vỡ của chiếc gương thần màu xanh.

Hai cây phong đẹp như những cây thần trong truyện cổ tích, vẻ đẹp kì diệu sẽ in sâu trong tâm khảm của nhà văn, bất chấp quy luật thay đổi của thiên nhiên, của lòng người vì nó được nhìn qua đôi mắt của trẻ thơ.

Tác giả đã kết hợp tự sự với miêu tả trong đoạn trích hai cây phong để nhắc lại kỉ niệm tuổi thơ êm đềm. Hoài niệm về tuổi thơ bao giờ cũng đằm thắm thiết tha. Nhân vật tôi nhớ quê hương, nhớ làng Ku-ku-ru là nhớ kỉ niệm tuổi thơ gắn với hai cây phong thân thương. Hai cây phong đã mở rộng tầm mắt, làm sáng lên tâm hồn tuổi thơ làm cho lũ trẻ phải “sửng sốt”, rồi tất cả “nín thở ngồi lặng đi”. Bức tranh quê hương hiện lên như vẫy gọi. “Cứ mỗi lần chúng tôi reo hò, huýt còi ầm ĩ chạy lên đôi là hai cây phong khổng lồ lại nghiêng ngả đung đưa như muốn chào mời chúng tôi đến với bóng râm mát rượi và tiếng lá xào xạc dịu hiền”. Lũ trẻ lắng nghe tiếng gió ảo huyền, tiếng thì thầm to nhỏ của lá cây đáp lại lời của gió. Rồi chúng nghĩ về miền đất mới lạ nơi chân trời xa xôi, về bầu trời và những đám mây, những đồng cỏ, sông ngòi. Hai cây phong này không chỉ mở rộng tầm mắt mà còn nâng cánh ước mơ cho những em bé làng Ku-ku-ru bay tới những chân trời xa xôi tươi sáng.

Kết thúc đoạn văn tác giả đặt ra câu hỏi ai đã trồng hai cây phong và đặt tên cho quả đồi: “Thuở ấy, chỉ cô một điều tôi chưa hề nghĩ đến là ai đã trồng hai cây phong trên đồi này? Người vô danh ấy đã ước mơ gì, đã nói những gì khi vùi hai gốc cây xuống đất, người ấy đã ấp ủ những niềm hi vọng gì khi vun xới chúng nơi đây, trên đỉnh đồi cao này?”.

Quả đồi có hai cây phong ấy, không biết vì sao làng tôi họ gọi là “trường Đuy-sen”. Phần đầu của câu chuyện tạm dừng ở đây, phần cuối tác phẩm tác giả đã giải thích nguồn gốc của hai cây phong bằng câu chuyện cảm động gắn với tình thầy trò.

Trích đoạn Hai cây phong là trang văn chứa chan thi vị đã thể hiện một cách sâu sắc tình yêu quê hương, tình yêu cây cỏ, cảnh sắc thiên nhiên quê nhà. Những kỉ niệm đẹp về tuổi thơ và lòng biết ơn người thầy đầu tiên của đời mình, của quê hương mình đã làm nên chất thơ cho câu chuyện. Đoạn văn tả về hai cây phong có tiếng nói riêng, tâm hồn riêng là hay nhất. Đoạn văn kể lại kỉ niệm tuổi thơ trèo lên hai cây phong nhìn về bốn phía là cảm động nhất. Tác giả đã thành công khi vẽ nên bức tranh về hai cây phong gắn với kỉ niệm tuổi thơ đầy màu sắc và vô cùng sống động, với đủ gam màu. Bức tranh ấy không thể phai mờ trong lòng những ai đã từng đọc tác phẩm Người thầy đầu tiên.

Các bài học liên quan
ĐỀ 95. Đọc truyện Cô bé bán diêm ta cảm nhận được mỗi que diêm cô bé đánh lên là có một giấc mơ đẹp.
ĐỀ 92. Phân tích giá trị nhân đạo truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng.
ĐỀ 90. Phân tích truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của 0. Henri

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 8 mới cập nhật