Đề số 17: Qua một số tác phẩm văn học dân gian đã được học và đọc thêm, anh (chị) có suy nghĩ gì về tinh thần lạc quan của nhân dân ta?

Văn học dân gian không chiếu rọi ánh sáng hi vọng vào một cuộc sống khác mà nó tìm thi hứng ở ngay cuộc đời hàng ngày, cuộc đời có cả nước mắt, tủi nhục và có cả những nhịp đập của tình cảm yêu thương, của những niềm vui, sự cười cợt.

Bài làm

Văn học dân gian không chiếu rọi ánh sáng hi vọng vào một cuộc sống khác mà nó tìm thi hứng ở ngay cuộc đời hàng ngày, cuộc đời có cả nước mắt, tủi nhục và có cả những nhịp đập của tình cảm yêu thương, của những niềm vui, sự cười cợt. Trong mấy nghìn năm, văn học dân gian luôn là tiếng nói tâm tình, là những niềm rung cảm sâu sắc, tế nhị, là nơi trút gửi những tình cảm, tâm tư của nhân dân lao động, Tinh thần lạc quan, ánh sáng hi vọng được rọi chiếu trong văn học dân gian và lấp lánh những tinh thần đẹp đẽ, khỏe khoắn, thể hiện ý chí, nghị lực, gửi gắm những niềm tin mạnh mẽ của con người.

Ca dao là những bài thơ trữ tình, phản ánh đời sống nội tâm, tình cảm của nhân dân lao động. Mỗi bài ca dao là một mảnh tâm trạng, một nếp suy nghĩ, một kiểu tâm hồn con người trong Cuộc sống sinh hoạt. Tất cả những tâm hồn dân tộc khỏe khoắn yêu đời ấp ủ nâng niu những vần ca dao đẹp nhất. Ca dao sẻ chia, đồng cảm với từng niềm vui, mỗi nỗi buồn của con người, đi sâu vào tâm tưởng, hàn gắn những vết thương, xoa dịu những nỗi đau, thắp sáng những niềm vui và ấp ủ, nhen nhóm niềm tin tưởng mạnh mẽ. Hơn bất kì một thể loại văn học dân gian nào, ca dao phản ánh rất đầy đủ, chân thực, sống động cuộc đời bất hạnh của những con người đau khổ. Tiếng hát than thân vang lên trong ca dao là tiếng lòng ai oán, uất ức, đầy đớn đau:

Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn
Đi vay đi dạm được một quan tiền
Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái
Về nuôi nó đẻ ra mười trứng
Một trứng: ung
Hai trứng: ung
Ba trứng: ung
Bốn trứng: ung
Năm trứng: ung
Sáu trứng: ung
Bảy trứng: ung
Còn ba trứng nở ra ba con
Con: diều tha
Con: quạ bắt
Con: mặt cắt xơi
Chớ than phận khó ai ơi
Còn da: lông mọc, còn chồi: nảy cây.

Bài ca dao nói về sự bần cùng, túng quẫn, đói nghèo triền miên, dai dẳng của người nông dân. Mở đầu bài ca là các mốc thời gian. Sự đối lập giữa quan điểm dân gian thông thường về tháng ăn chơi, nghỉ ngơi thảnh thơi với cuộc sống hiện thực của người nông dân đã tạo ra một ấn tượng rất mạnh mẽ về sự nghèo khổ, chật vật của họ. Các mốc thời gian được dừa ra để đếm, tạo nên sự triền miên, dài lâu, dai dẳng của cuộc sống đau khổ. Người nông dân phải gặm nhấm nỗi đau khổ của chính cuộc đời mình trong từng giây, từng phút. Với họ, một nỗi khổ tháng giêng qua là một nỗi khổ tháng hai sắp đến. Triền miên trong đói nghèo, trong lo lắng, đó chính là cuộc đời thực của người nông dân. Từ khốn nạn được xen tách thành tháng khốn tháng nạn vừa giữ được nhịp điệu 2/2/2 đều đặn, vừa làm lời thơ như giằn xuống, giống như một tiếng hét phẫn nộ, uất ức. Nỗi đau như lặp lại, như giằng xé đến tận cùng. Trong tình cảnh khôn cùng ấy, họ đã tìm ra một giải pháp, dù là tạm bợ đi vay, đi dạm. Hành động mua con gà mái là lối thoát mà họ gửi gắm niềm hi vọng thoát khỏi đói nghèo. Nhưng rồi kết quả của công việc là hết sức bi thảm. Gà mái đẻ trứng thì bảy trứng ung và ba con bị mất. Hình thức liệt kê, biện pháp điệp từ càng khắc sâu kết quả bi thảm trong công việc của người nông dân. Mỗi quả trứng được đếm là một niềm hi vọng được nhen nhóm, mỗi quả trứng hỏng là một lần hi vọng bị dập tắt. Nghệ thuật tăng tiến càng đạt hiệu quả cao thì nỗi đau đớn trong thân phận người nông dân càng lớn. Dường như đau khổ bám riết, không buông tha, không từ bỏ họ. Nâng lên rồi lại đặt xuống, thở dài thất vọng rồi lại hi vọng mong manh. Phải trải qua chừng ấy tâm trạng, nỗi đau đớn của họ chẳng phải là cùng cực, là chua xót lắm sao? Cách diễn đạt hàm súc, mỗi lời thơ là một mệnh đề, có giả thiết, có kết luận những khái quát được toàn bộ sự khốn khổ của người nông dân. Khi nỗi đau tưởng như cùng cực, thì niềm hi vọng lại được thắp sáng, gửi gắm vào ba con còn lại. Lời thơ giãn ra, nhẹ nhàng hơn như trút bỏ được gánh nặng:

Còn ba trứng nở ra ba con

Nhưng rồi kết quả cuối cùng vẫn là sự thất vọng, đau đớn. Hình ảnh những con chim ác: diều, quạ, cắt đại diện cho những thế lực thống trị trong xã hội đã bóp chết niềm hi vọng cuối cùng của người nông dân, đẩy họ vào con đường cùng không lối thoát, vẫn là cách diễn đạt hàm súc, lời thơ nhấn mạnh, khẳng định nỗi đau của con người qua từng lần đếm. Chi tiết cuối cùng là đỉnh điểm, là kịch tính của màn kịch cuộc đời người nông dân. Họ đã phải sống cuộc sống nô lệ, bi kịch, bị áp bức, bị rình rập, đe dọa cả về vật chất, tinh thần và sinh mạng. Mọi cố gắng của họ đều là vô nghĩa. Hi vọng càng nhiều thì thất vọng càng sâu. Mong mỏi càng nhiều thì đắng cay càng chồng chất. Bài ca dao không chỉ là tiếng hát than thân mà còn là tiếng tố cáo mạnh mẽ xã hội phong kiến, xã hội đồng tiền lăn tròn trên lương tâm, nhân phẩm của con người. Nhưng kết thúc bài ca dao thật bất ngờ:

Chớ than phận khó ai ơi 
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây

Đó chính là triết lí sống khỏe khoắn, đẹp đẽ của con người. Câu ca dao giống như một lời khuyên, vừa như mặc lời tự nhủ với chính mình: sống phải có niềm tin, nuôi dưỡng hi vọng, chấp nhận và vượt qua thất bại, khó khăn. Bài ca thể hiện tâm hồn khỏe khoắn, tinh thần lạc quan đẹp đẽ của nhân dân lao động trước cuộc sống đầy thử thách, khó khăn, chật vật.

Trong các truyện cổ tích, người ta bay trên không trung, ngồi lên tấm thảm biết bay, đi hia bảy dặm, phục sinh những người đã chết bằng cách rửa nước thần lên họ, trong một đêm thôi, cũng xây dựng được những lâu dài, và nói chung, truyện cổ tích đã mở ra trước mắt tôi cánh cửa sổ để trông vào một cuộc sống khác... (M. Go-rơ-ki). Trong các thể loại văn học dân gian được sáng tác theo phương thức tự sự, bên cạnh sử thi, thần thoại... thì cổ tích là thể loại rất được nhân dân ưa chuộng. Ở đó, ta không chỉ thấu hiểu những tâm sự buồn thương của. những số phận bất hạnh mà sâu sắc hơn, còn thấy những khát khao, mơ ước, tinh thần lạc quan, tin tưởng về cuộc sống của con người. Đó là một cuộc sống có nước mắt đắng cay, có bất hạnh, tủi hờn, nhưng không phải nước mắt. làm con người yếu hèn, không phải đắng cay làm con người lùi bước, không phải là bất hạnh để con người bi quan mà chính là điều kiện thử thách trí tuệ, lòng nhân ái của con người. Những lực lượng siêu nhiên, những nhân vật phụ trợ như Thần, Tiên, Bụt và những phép màu trong cổ tích là nơi giúp ước mơ, khát vọng của con người thăng hoa. Ước mơ, tinh thần lạc quan trong cổ tích được thể hiện ở việc tác giả dân gian xây dựng những hình tượng nhân vật lí tưởng, hoàn mĩ, ở những chi tiết kì ảo, hoang đường và ở loại nhân vật siêu nhiên, phù trợ. Truyện cổ tích phát triển rực rỡ trong xã hội có giai cấp. Chính vì vậy, loại nhân vật rất phổ biến trong cổ tích là người mồ côi, người đi ở, con riêng, người xấu xí, dị dạng,... Đó là những số phận bất hạnh, đáng thương, bần cùng nhưng đã tỏa sáng chính mình trên những trang cổ tích bằng ánh sáng của trí tuệ, sức mạnh và những phẩm chất cao cả. Lòng hiếu thảo là phẩm chất đáng trọng, rất được đề cao trong các sáng tác dân gian, đặc biệt được xây dựng trong nhân cách các nhân vật cổ tích. Tấm lòng ngời sáng của cậu bé Chử Đồng Tử trong chi tiết nhường khố cho cha là bài ca hiếu nghĩa đẹp đẽ cho muôn đời. Sọ Dừa thương mẹ cha vất vả, đã đi làm thuê cho phú Ông dẫu không thể đi lại bình thường. Đằng sau hình dáng xấu xí, đằng sau nỗi khổ đói nghèo là ánh sáng tỏa rạng của những nhân vật lí tưởng, hoàn mĩ. Những xấu xí, khó khăn, bất hạnh chỉ có tác dụng làm nền để những gì đẹp đẽ trong tâm hồn họ tỏa sáng. Họ chính là biểu tượng của sức mạnh nhân ái và trí tuệ thông minh. Thế giới cổ tích với biết bao phép màu, chính là nơi gửi gắm ước mơ, hoài bão, niềm tin tưởng lạc quan của con người vào một cuộc sống tốt đẹp hơn, đủ đầy, hạnh phúc hơn. Trong Chử Đồng Tử, hai vợ chồng Đồng Tử, Tiên Dung chỉ sau một đêm với chiếc nón, chiếc gậy thần kì đã có lâu đài đẹp đẽ với đủ người hầu kẻ hạ, hay khi nhà vua đến thì cả khu của hai vợ chồng đã bay lên trời. Ước mơ được sống no đủ là ước mơ chính đáng ngàn đời của con người. Đó chính là khát vọng người nghèo khổ sẽ được sung sướng, hạnh phúc. Sọ Dừa, công chúa Ếch, hoàng tử Cóc có hình dạng xấu xí sau này được biến thành những chàng trai khôi ngô, những cô gái xinh đẹp, chính là ước mơ, niềm tin, khao khát đổi thay của những số phận không may mắn, có hình dạng kì dị. Hình ảnh cây tre trăm đốt cũng là ước mơ của tình yêu đôi lứa đẹp đẽ. Trong truyện Cây nêu ngày Tết, chi tiết bóng của chiếc áo cứ rộng mãi, rộng mãi là ước mơ của người nông dân về đất đai cấy cày, Cô Tấm chết đi sống lại bao nhiêu lần, chịu bao đau khổ nhưng cuối cùng cũng được hạnh phúc. Thứ nước thần rắc lên người Tấm để Tấm được phục sinh chính là những chi tiết kì ảo, hoang đường, là tình yêu, sự tin tưởng, lạc quan của con người sự tất thắng của chính nghĩa. Những nhân vật phù trợ, các lực lượng siêu nhiên như bà Tiên, ông Bụt, nhà sư... đã giúp những ước mơ của con người trở thành sự thực, những ước mơ mà ở cuộc đời thực, họ không thể có, không thể đạt tới. Đó chính là nhân vật đại diện cho chính nghĩa, giúp chính nghĩa tất thắng, giúp niềm tin của con người vào một cuộc sống tốt đẹp được gìn giữ. Truyện cổ tích nào cũng bắt gặp tiên, bụt, nhưng thực ra đó cũng là hình ảnh, sức mạnh của lòng nhân ái, trí tuệ của con người  (Nguyễn Đình Thi).

Văn học dân gian thực sự đã mở ra một cuộc sống khác, nuôi dưỡng niềm tin tưởng, tinh thần lạc quan của con người. Đó là cuộc đời đẹp đẽ, khỏe khoắn, lung linh những sắc màu của ước mơ, khát vọng. Đó chính là cái đẹp của con người về cuộc đời, một cuộc đời còn nhiều chật vật, thử thách, khó khăn. Rất cần nêu lên rằng trong văn học dân gian không cô bóng dáng của chủ nghĩa bi quan, dù những người viết nên nó sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt, khó khăn (M. Go-rơ-ki). Văn học dân gian không nhằm nêu lên, nhấn mạnh những khó khăn, bất hạnh mà chủ yếu giúp con người tin tưởng, lạc quan và sống tốt đẹp hơn. Hi vọng thật sự là một loại hạnh phúc, có lẽ là hạnh phúc chính yếu mà cuộc đời đem lại (Johnson).

Các bài học liên quan
Đề số 13: Vẻ đẹp của người lao động thể hiện qua các bài ca dao than thân và yêu thương tình nghĩa đã học trong chương trình.
Đề số 12: Có ý kiến cho rằng: Cái gốc của ca dao hài hước, suy đến cùng, cũng là trữ tình, vì có yêu, có ghét, và đến một mức nào đó thì bật ra tiếng cười hài hước. Nêu ý kiến của anh (chị).
Đề số 9: Có ý kiến cho rằng: Nhân vật trong truyện cổ tích là hành động của nó. Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Chứng minh bằng các tác phẩm mà anh (chị) đã học.
Đề số 8: Từ những kiến thức về truyện cổ tích Việt Nam, đặc biệt là qua việc học truyện cổ tích Tấm Cám, anh chị hiểu thế nào về những câu thơ sau đây của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: Ta lớn lên bằng... Hoa của đất, người trồng cây dựng của

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 10 mới cập nhật