HỊCH TƯỚNG SĨ - Trần Quốc Tuấn
Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn là bài ca yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Đó là áng văn chính luận hùng hồn, đanh thép sục sôi nhiệt huyết, tràn đầy khí thế quyết chiến, quyết thắng, mang sức mạnh của muôn vạn hùng binh.
- Bài học cùng chủ đề:
- Soạn bài Hịch tướng sĩ - Ngắn gọn nhất
- Soạn bài Hịch tướng sĩ
- Để thuyết phục người nghe, người đọc bằng nhận thức và tình cảm, nghệ thuật văn chính luận, Hịch tướng sĩ có gì đang lưu ý
- Ngữ pháp tiếng anh hay nhất
I. KIẾN THỨC CẦN NẮM VỮNG
Năm 1258, giặc Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ nhất, và chúng ta đã bị thất bại thảm hại. Sau đó chúng vẫn sai sứ sang nước ta nhũng nhiễu bắt cống nạp vàng bạc, ngọc lụa, thực hiện âm mưu thôn tính Đại Việt. Những năm đầu thập kỉ 80 của thế kỉ 13, giặc Nguyên Mông càng ra sức hoành hành, ngọn lửa chiến tranh sắp bùng lên dữ dội. Để chuẩn bị chiến tranh, nhà Trần tăng cường bố phòng biên cương phía Bắc và ải Vân Đồn, mở hội nghị Diên Hồng và hội nghị quân sự Bình Than vào cuối năm 1283, đầu năm 1284. Trần Quốc Tuấn đã viết Hịch tướng sĩ vào các năm 1283 - 1284, trước khi 50 vạn quân Mông cổ do Thoát Hoan cầm đầu kéo sang xâm lược nước ta lần thứ hai (1285).
Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn là bài ca yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Đó là áng văn chính luận hùng hồn, đanh thép sục sôi nhiệt huyết, tràn đầy khí thế quyết chiến, quyết thắng, mang sức mạnh của muôn vạn hùng binh.
Về nghệ thuật, bài văn đã làm sống lại những năm tháng hào hùng thuở bình Nguyên bằng lối ẩn dụ, so sánh và thậm xưng. Tất cả được vận dụng đạt hiệu quả cao và đầy ấn tượng.
II. RÈN KĨ NĂNG ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN (trả lời câu hỏi SGK)
Câu 1. Căn cứ vào nội dung, ta có thể chia bài Hịch tướng sĩ thành năm phần:
1. Ta thường nghe... đến nay còn lưu hai tiếng tốt: Nêu gương các trung thần nghĩa sĩ đã xả thân cứu nước, cứu chúa (trong Bắc sử) để kích thích tinh thần trung dũng của tướng sĩ.
2. Huống chi ta cùng các ngươi ... ta cũng vui lòng: Lòng căm thù sôi sục và tinh thần quyết chiến của vị thống soái trước tội ác và dã tâm xâm lược của giặc Mông Cổ.
3. Các ngươi ở cùng ta... Cốt Đãi Ngột Lang ngày trước cũng chẳng kém gì: Nhắc lại những ân nghĩa sâu nặng giữa chủ soái với các tướng sĩ; phê phán tư tưởng cầu an hưởng lạc, mất cảnh giác của các tướng sĩ, nghiêm khắc chỉ ra con đường bại vong đau đớn nhục nhã.
4. Nay các ngươi nhìn chủ nhục... dẫu các người không muốn vui vẻ phỏng có được không?: Xác định tinh thần, thái độ sẵn sàng chiến đấu, cho các tướng sĩ khi Tổ quốc lâm nguy, chỉ ra viễn cảnh huy hoàng thắng trận: có thể bêu được đầu Hốt Tất Liệt ở cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai.
5. Nay ta chọn binh pháp các nhà... để các ngươi biết bụng ta: Nếu yêu cầu cụ thể cho các tướng sĩ, đó là hãy ra sức học tập binh thư để giữ trọn đạo thần chủ nghiêm khắc cảnh cáo những kẻ “khinh bỏ” sách Binh thư yếu lược; xem chúng là nghịch thù.
Câu 2. Đoạn văn tố cáo tội ác của giặc được lột tả một cách rất căm uất, khơi gợi trong lòng các tướng sĩ nỗi nhục mất nước.
- Vạch trần bản chất của giặc bằng lời lẽ ẩn dụ cụ thể, sinh động, coi chúng như loài cầm thú: cú diều, dê chó, hổ đói.
- Lên án thái độ, hành vi khinh mạn, hông hách, ngạo ngược, lòng tham khôn cùng của giặc qua những từ ngữ giàu hình ảnh đặc tả: đi lại nghênh ngang, uốn lưỡi cú diều, sỉ mắng triều đình, đòi ngọc lụa, thu bạc vàng, nuôi hổ đói...
Trần Quốc Tuấn đã thấu suốt dã tâm của quân giặc, nhận thức rõ hiểm họa đối với Tổ quốc, nguy cơ của sự bại vong. Đoạn văn không những tiêu biểu cho lòng căm thù giặc mà còn khơi gợi nỗi nhục mất nước để tướng sĩ phải suy nghĩ.
Câu 3. Phân tích lòng yêu nước, căm thù giặc của Trần Quốc Tuấn qua đoạn văn tác giả tự nói lên nỗi lòng mình:
Đoạn văn này lại tiêu biểu nhất cho tình cảm cao đẹp, hình tượng cái “tôi” trữ tình yêu nước vĩ đại của Trần Quốc Tuấn. Đoạn văn có hai ý lớn:
- Trạng thái căm uất, sục sôi, hận thù bỏng rát của một trái tim vĩ đại, chất chứa cảm xúc lớn đối với vận mệnh đất nước, sự tồn vong vương triều, thân danh tướng soái, số phận tướng sĩ, nhân dân. Văn phong giản dị, chân chất, từ ngữ giàu cảm xúc và sắc thái biểu hiện: tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa.
- Ý chí xả thân cứu nước. Từ trái tim vĩ đại sục sôi nhiệt huyết, đến ý chí quả quyết muốn hành động, hi sinh cứu nước là một phát triển phù hợp với chuyển biến tâm tư, tính cách của người anh hùng. Sự phát triển của cái “tôi” trữ tình yêu nước gói gọn trong những ngôn từ: Chỉ căm tức chưa xả thịt, lột da... Dẫu trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa..., có cảm tưởng hơi ước lệ, to tát, ồn ã, nhưng thông thiết, hào sảng, phù hợp với ngôn từ, hùng biện của thể hịch văn, vì thế vẫn có sức ngân vang.
Từ lòng căm thù cháy bỏng, hành động giết giặc cứu nước là tất yếu và phải được đặt lên hàng đầu, thà chết chứ không chịu lùi, Trần Quốc Tuấn - vị chủ soái - lại tiêu biểu cho khí phách anh hùng của dân tộc.
Câu 4. Sau khi nêu mối ân tình giữa chủ soái và tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn đã phê phán những hành động sai của tướng sĩ, đồng thời khẳng định hành động đúng có tác dụng làm cho các tướng sĩ phải suy nghĩ.
Đoạn văn có rất nhiều chi tiết vạch rõ những sai lầm của các tướng sĩ. Những điều tác giả phê phán là:
- Sự bàng quan, thờ ơ:
Chủ nhục - không biết lo
Nước nhục - không biết thẹn
Hầu quân giặc - không biết tức
Nghe nhạc thái thường để đãi yến ngụy sứ (bị sỉ nhục) - không biết căm.
- Sự ăn chơi nhàn rỗi: chọi gà, đánh bạc, săn bắn, uống rượu, nghe hát.
- Sự vun vén cá nhân: vui thú vườn ruộng, quyến luyến vợ con, lo làm giàu.
Cách phê phán của tác giả rất nghiêm khắc. Tác giả đã nêu lên những gì nghiêm trọng nhất để phê phán trước, sau đó không bỏ qua bất kì một biểu hiện nào của sự lơ là, mất cảnh giác, ăn chơi, hưởng lạc. Đoạn văn trình bày theo lối liệt kê, đối lập, với một loạt các câu hỏi nghi vấn nhưng mang ý khẳng định “không thể”.
Cựa gà trống > < đâm thủng áo giáp của giặc.
Mẹo cờ bạc > < làm mưu lược nhà binh.
Nhiều của cải > < mua thân quý ngàn vàng.
Tiền của > < mua đầu giặc.
Chó săn > < đuổi được giặc.
Rượu ngon > < làm giặc say chết.
Tiếng hát hay > < làm giặc điếc tai.
Việc sử dụng điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc câu làm cho lời phân tích càng thêm mạnh mẽ, giàu sức thuyết phục.
Để phê phán các tướng lĩnh một cách thấm thía, tác giả đã tập trung vào sự sống, còn, chỉ ra nỗi nhục khi mất nước, đó là:
+ Bị bắt làm tù binh.
+ Gia quyến bị đuổi, bị bắt.
+ Mất thái ấp, bổng tộc.
+ Tổ tông bị giày xéo, phần mộ cha mẹ bị quật lên.
+ Nhịn nhục kiếp này và muôn đời.
Cấu trúc “chẳng những ... mà” được lặp lại trong suốt đoạn văn để nhấn mạnh sự mất mát và tổn thất. Mặt khác luôn luôn có hai vế về chủ tướng và quân sĩ gắn liền với nhau trong mọi trường hợp, cho nên việc phê phán không chỉ xuất phát từ quyền lợi của từng tướng sĩ. Do đó có tính chất thuyết phục mạnh hơn, cho dù việc phê phán hết sức nghiêm khắc và mạnh mẽ.
Câu 5. Giọng văn vừa là lời chủ soái nói với tướng sĩ dưới quyền, vừa là người cùng cảnh ngộ trước sự mất, còn đối với vận mệnh của đất nước.
Đây cũng vừa là lời khuyên răn, bày tỏ thiệt hơn vừa là lời nghiêm khắc cảnh cáo thái độ bàng quan, không chỉ là tội thờ ơ nông cạn mà còn là vong ân bội nghĩa trước mối ân tình đối với chủ tướng.
Cách viết của tác giả có tác động rất mạnh đối với tướng sĩ. Tác giả đã sử dụng phương pháp so sánh, tương phản phù hợp với quy luật nhận thức các điệp ý, điệp ngữ tăng tiến có tác dụng nêu bật vấn đề từ nông đến sâu, từ nhận biết đến suy nghĩ, cảnh giác, hành động. Vì vậy tác giả đã cho người nghe thấy rõ và nhận ra điều phải, trái.
Câu 6: Đặc sắc nghệ thuật trong bài hịch
Để diễn tả một nội dung vừa có tính cách thuyết phục, vừa có tính cách phê phán, tác giả đã lập luận rất chặt chẽ như chúng ta đã thấy ở phần kết cấu và bố cục - lời lẽ có tình, có lí, khi thì thiết tha, khi thì đanh thép, chuyển từ đầu đến cuối một cách logíc
Để phân rõ lẽ phải - trái, chính - tả, tác giả đi từ xa đến gần, tư vấn đề chung đến vấn đề cụ thể trước mắt. Mở đầu, tác giả dẫn chứng trong sử sách đời xưa để nói khả năng của tướng sĩ đời nay, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Tác giả chuyển xuống phân tích nỗi giặc tàn ác như thế nào, nỗi mình thâm giao như thế nào, tiếp đó tác giả vạch ra hai viễn cảnh trái ngược nhau, rồi kết thúc bằng lời kêu gọi đanh thép; hoặc theo ta, hoặc theo giặc, hoặc là bạn, hoặc là thù, hoặc là danh thơm muôn thuở, hoặc là tiếng xấu nghìn thu. Phương pháp tương phản, đi đôi với lối văn biền ngẫu trong bài này thật là “đắc dụng”.
Ở đây chẳng những ý từng đoạn đối nhau, mà ý từng câu đối nhau, từng chữ đôi nhau. Chúng ta đọc đến đâu là lẽ phải - trái nổi bật đến đấy: “Nay các ngươi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn, làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức. Nghe nhạc thái thường đãi yến ngụy sứ mà không biết căm...”.
Rõ ràng, chữ đập nhau, đối nhau chan chát, ai là người không nhận rõ chính - tà?
Tác giả lại biết phối hợp phương pháp điệp ngữ, điệp ý để làm tăng thêm tính thiết tha, tính bi tráng của câu văn. Để đập vào tư tưởng an hưởng thái bình trong tướng sĩ lúc đó, tác giả viết: hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển, hoặc vui thú vườn ruộng, hoặc quyến luyến vợ con, hoặc... hoặc...”. Tác giả nêu lên hình tượng cựa gà trống bên áo giáp, mẹo cờ bạc bên quân mưu. Sự vật có vẻ hài hước, nhưng ý nghĩa thật nghiêm trang. Bằng phương pháp tương phản kết hợp phương pháp so sánh, tác giả nêu ra hai viễn cảnh:
Viễn cảnh u ám - Viễn cảnh tươi đẹp
Thái ấp của ta: Không còn + cũng mất - Bổng lộc các ngươi: Mãi mãi vững bền + đời đời hưởng thụ
Gia quyến của ta: Bị tan + cũng khốn - Vợ con các ngươi: Yên ấm gối chăn + Bách niên giai lão
Xã tắc tổ tông của ta: Bị giày xéo + bị quật lên - Mồ mả cha mẹ các ngươi: Muôn đời tế lễ + Thờ cúng quanh năm
Để làm tăng thêm tính quan trọng của vấn đề tác giả nhắc lại ý nghĩa đối với quần chúng nhân dân lúc bấy giờ và sự thanh nghị của người đời sau trong sử sách. Sau đó tác giả đặt một mệnh đề nghi vấn nhưng lại rất khẳng định:
Trong cảnh u ám: "Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi phỏng có được không?”; trong cảnh huy hoàng: “Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi không muốn vui chơi phỏng có được không?”.
Đây là một đoạn văn hùng biện tài tình, khích lệ cao độ lòng căm thù, chí phân đâu. Nhà văn Đặng Thai Mai có nhận xét về đoạn văn này: "Văn thể đoạn này, lời lẽ một bài thuyết pháp. Đập từng chữ, dằn từng câu, Hưng Đạo Vương đánh mạnh vào tình cảm tu ở của bộ hạ, để cho họ biết chán, biết ghét, biết khinh bỉ cái đời hưởng thụ và vô ích của bọn tín đồ chủ nghĩa khoái lạc".
Đặc điểm bài văn này còn ở chỗ tác giả biết cấu tạo hình tượng sinh động, sử dụng lời văn thích đáng. Để nêu những hi sinh trong sử sách, tác giả nêu lên những hình tượng “đem mình chết thay”, “chìa lưng chịu giáo”, “nuốt than”, “chặt tay”... Đối với giặc, tác giả dùng những hình tượng “uốn lưỡi cú diều”, “đem thân dê chó”. Chỉ mấy chữ đó cũng nói lên bản chất của giặc là xảo huyệt và hèn hạ. Như vậy lòng căm thù mới đến độ: bêu đầu Hốt Tất Liệt ở cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai. Hình tượng "bêu đầu", "làm rữa thịt" nói lên được cái uất hận trào lên của mọi người, của tướng sĩ và của chính bản thân Trần Quốc Tuấn... Những hình tượng “quên ăn”, “vỗ gối”, “ruột đau”, “nước mắt đầm đìa” chứa đựng một tấm lòng của tác giả. “Xả thịt lột da, uống máu quân thù” tám chữ nhưng chỉ một tấm lòng yêu nước, chí căm thù vào tim gan tướng sĩ, có tác dụng đánh bại tư tưởng an hưởng thái bình trong đầu óc tướng sĩ.
Để làm nổi bật các hình tượng, tác giả chú ý sử dụng lời văn. Ngoài cách chọn chữ, chọn lời của tác giả rất thích đáng, cách sử dụng tiếng đưa đẩy (hư từ) rất tài tình. Chẳng hạn: “...chẳng những thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc các người cũng mất...”. Những từ “chẳng những”, “mà” được lặp lại nhiều lần, làm tăng vẻ thiết tha, bi tráng, hùng biện của bài văn. Có khi chỉ là một ý (như ở đoạn trên đã phá tư tưởng hưởng lạc...), nhưng tác giả hết sức chú ý diễn xuôi đảo ngược, nói đi nói lại, lời lẽ tình ý, thấm từng giọt vào đường gân thớ thịt, vào kẽ tóc chân tơ... Trần Quốc Tuấn đã có một ưu điểm nổi bật: Bộc lộ lòng mình, lòng yêu non sông đất nước thắm thiết của mình, và từ đó lời nói tâm can của ông mới thấm lòng người, lòng tướng sĩ và khích lệ được lòng yêu nước của mọi người, của tướng sĩ. Giá trị thuyết phục của bài hịch chính là ở chỗ đã kết hợp ở mức độ cao hai yếu tố tình cảm và lí trí.
Câu 7. Lược đồ kết cấu của bài hịch:
Hịch tướng sĩ nêu lên nhiều vấn đề để tập trung vào một hướng, đó là khích lệ lòng yêu nước bất khuất, quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược, bằng cách khái quát nghệ thuật lập luận.
+ Khích lệ từ ý chí lập công danh,
+ Lòng tự trọng cá nhân, tự tôn dân tộc đến lòng căm thù giặc,
+ Tinh thần trung quân ái quốc, nghĩa tình cốt nhục.
* Có thể thấy được cách triển khai lập luận của bài hịch qua lược đồ kết cấu như sau:
Khích lệ lòng yêu nước, bất khuất, quyết chiến thắng kẻ thù xâm lược.
- Khích lệ lòng căm thù giặc, nỗi nhục mất nước.
- Khích lệ lòng trung quân, ái quốc và lòng ân nghĩa, thủy chung của những người cùng cảnh ngộ.
- Khích lệ ý chí lập công danh, xả thân vì nước.
- Khích lệ lòng tự trọng, liêm sỉ ở mỗi người khi nhận rõ cái sai, thấy rõ điều đúng.
III. BÀI VĂN THAM KHẢO
Hịch tướng sĩ bộc lộ sâu sắc nhiệt tình yêu nước và tinh thần trách nhiệm của Trần Quốc Tuấn trước họa ngoại xâm. Qua bài Hịch tướng sĩ hãy chứng minh nhận định trên.
Bài làm
Trước khí thế tiến công ào ạt của ba mươi vạn quân Nguyên lần thứ hai sang xâm lược nước ta, Trần Quốc Tuấn đã viết bài Hịch tướng sĩ để khích lệ lòng yêu nước và ý chí chiến đấu của các tướng sĩ. Tác phẩm của Trần Quốc Tuân không những là một áng thiên cổ hùng văn mà còn “bộc lộ sâu sắc nhiệt tình yêu nước, và tinh thần trách nhiệm của ông trước họa ngoại xâm”.
Trước hết, đúng như ý kiến đã nhận định, bài Hịch tướng sĩ đã thể hiện sâu sắc nhiệt tình yêu nước của vị lãnh đạo trước hoàn cảnh đất nước đang bị ngoại xâm.
Vì lòng yêu nước, Trần Quốc Tuấn không thể nhắm mắt bịt tai trước những hành vi ngang ngược của sứ giả nhà Nguyên mà theo tác giả như “cú diều, dê chó y hổ đói”. Bằng lối văn biền ngẫu nhịp nhàng và rắn rỏi, Trần Quốc Tuấn đã vạch mặt bọn giả nhân giả nghĩa, có lòng tham không đáy, mưu toan vét sạch tài nguyên của cải đất nước ta.
“Lại thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thỏa lòng tham khôn cùng giả hiệu Vân Nam Vương mà thu bạc vàng để vét của kho có, hạn”.
Vì lòng yêu nước, Trần Quốc Tuấn đã quên ăn, mất ngủ, đau lòng nát ruột vì chưa có cơ hội để “xẻ thịt, lột da, nuôi gan, uống máu quân thù” cho thỏa lòng căm giận. Ông sẵn sàng hi sinh, để cho Tổ quốc được độc lập, tự do. Ông viết: “dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng”.
Điều rất dễ hiểu là nếu không vì nhiệt tình yêu nước nồng nàn thì Trần Quốc Tuấn đã không thể đau đớn, dằn vặt và căm thù sôi sục thế!
Mặt khác, bài Hịch tướng sĩ còn nêu cao tinh thần trách nhiệm của vị chủ soái trước cảnh Tổ quốc lâm nguy qua những lời phê phán nghiêm khắc thái độ bàng quan, chỉ biết hưởng lạc của các tướng sĩ vô trách nhiệm.
Ông đã khéo léo nêu lên lòng yêu thương của ông đối với các tướng sĩ, cùng với tinh thần đồng cam cộng khổ của ông để khơi gợi sự hồi tâm của họ. Giọng văn của ông vô cùng thiết tha và thấm thía: “Không có mặc thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho cơm, quan nhỏ thì ta thăng chức, lương ít thì ta cấp bổng”.
Tiếp đến, bằng những hình ảnh tiêu biểu đầy xúc động, ông đã nêu lên những hậu quả nghiêm trọng, không những sẽ xảy đến cho ông mà còn cho gia đình những tướng sĩ vô trách nhiệm ấy một khi đất nước rơi vào tay quân thù. Bằng cách sử dụng các hệ thống từ dồn dập "chẳng những... mà... căng" lặp đi lặp lại có giá trị nêu bật những hậu quả tai hại, những nỗi khổ nhục của người dân mất nước, Tổ quốc mất độc lập, tự do:
"Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng mất; chẳng những gia quyến của ta bị tan mà vợ con các ngươi cũng khốn, chẳng những xã tắc tổ tông ta bị giày xéo, mà phần mộ cha mẹ các ngươi cũng bị quật lên".
Tinh thần trách nhiệm của ông còn thể hiện ở việc ông viết nên cuốn Binh thư yếu lược để cho các tướng sĩ rèn luyện. Đối với ông yêu nước là phải có bổn phận giữ nước, phải có hành động thiết thực cứu nước. Sưu tầm binh pháp các thời để tạo nên bí quyết chống giặc phá giặc, Trần Quốc Tuấn đã thể hiện lòng yêu nước và trách nhiệm của người chỉ huy công cuộc kháng chiến chống quân Nguyên. Chính lòng yêu nước mãnh liệt và tinh thần trách nhiệm cao độ của ông đã đốt cháy lên ngọn lửa chiến đấu và chiến thắng trong lòng các tướng sĩ lúc bấy giờ.
Từ sự nhìn thấu suốt dã tâm của giặc, nhận thức rõ mối họa của Tổ quốc, ông đã chứng minh sự còn mất của mỗi quan tướng gắn liền với sự thắng bại của cuộc kháng chiến; lợi ích thiết thân của họ gắn liền với lợi ích tối cao của Tổ quốc. Chính vì thế bài Hịch tướng sĩ đã thể hiện hết mực chủ nghĩa yêu nước chân chất mà sâu sắc, hồn nhiên mà cụ thể và đầy tinh thần trách nhiệm của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
- Bài 1 sgk ngữ văn 8
- Bài 2 sgk ngữ văn 8
- Bài 3 sgk ngữ văn 8
- Bài 4 sgk ngữ văn 8
- Bài 5 sgk ngữ văn 8
- Bài 6 sgk ngữ văn 8
- Bài 7 sgk ngữ văn 8
- Bài 8 sgk ngữ văn 8
- Bài 9 sgk ngữ văn 8
- Bài 10 sgk ngữ văn 8
- Bài 11 sgk ngữ văn 8
- Bài 12 sgk ngữ văn 8
- Bài 13 sgk ngữ văn 8
- Bài 14 sgk ngữ văn 8
- Bài 15 sgk ngữ văn 8
- Bài 16 sgk ngữ văn 8
- Bài 17 sgk ngữ văn 8
- Bài 18 sgk ngữ văn 8
- Bài 19 sgk ngữ văn 8
- Bài 20 sgk ngữ văn 8
- Bài 21 sgk ngữ văn 8
- Bài 22 sgk ngữ văn 8
- Bài 23 sgk ngữ văn 8
- Bài 24 sgk ngữ văn 8
- Bài 25 sgk ngữ văn 8
- Bài 26 sgk ngữ văn 8
- Bài 27 sgk ngữ văn 8
- Bài 28 sgk ngữ văn 8
- Bài 29 sgk ngữ văn 8
- Bài 30 sgk ngữ văn 8
- Bài 31 sgk ngữ văn 8
- Bài 32 sgk ngữ văn 8
- Bài 33 sgk ngữ văn 8
- Bài 34 sgk ngữ văn 8
- Một số tác giả, tác phẩm văn học tham khảo